bệnh tụt canxi là một trạng thái mà 99% canxi trong cơ thể được dự trữ ở xương và chỉ có 1% canxi trao đổi tự do với dịch ngoại bào. Canxi là yếu tố cần thiết cho tất cả các quá trình chuyển hóa của cơ thể. Tuy nhiên, liệu rằng bệnh tụt canxi có nguy hiểm không? Và các biến chứng thường gặp của bệnh tụt canxi là gì?
Dấu hiệu nhận biết cơ thể tụt canxi máu
Khi lượng canxi trong máu giảm xuống mức quá thấp, tức là nồng độ canxi máu toàn phần < 215 mmol/L hoặc nồng độ canxi ion hóa trong máu < 0,9 mmol/L, cơ thể sẽ bị tụt canxi máu. Thường thì tụt canxi máu xảy ra do nồng độ hormone tuyến cận giáp hoặc vitamin D trong cơ thể không đạt mức cần thiết. Bệnh nhân tụt canxi máu có thể ở mức độ nhẹ hoặc nặng, tạm thời hoặc kéo dài vĩnh viễ n. (1)
Với người bệnh tụt canxi máu nhẹ, thường không có triệu chứng rõ ràng, bao gồm:
- Chuột rút cơ bắp, đặc biệt ở vùng lưng và chân.
- Da khô, bong vảy.
- Móng tay dễ gãy.
- Tóc khô hơn bình thường (tuỳ vào cơ địa của từng người).
Nếu không được điều trị kịp thời, sau một khoảng thời gian, bệnh tụt canxi máu có thể gây ra các triệu chứng ảnh hưởng đến hệ thần kinh hoặc tâm lý như:
- Lú lẫn.
- Gặp vấn đề về trí nhớ.
- Khó chịu hoặc bồn chồn.
- Trầm cảm.
- Ảo giác.
Ngoài ra, tụt canxi máu nặng có thể gây ra các triệu chứng như:
- Ngứa ở môi, lưỡi, ngón tay hoặc bàn chân.
- Đau cơ.
- Co thắt cơ cổ họng gây khó thở (co thắt thanh quản).
- Cứng và co thắt cơ bắp.
- Động kinh.
- Loạn nhịp tim.
- Suy tim sung huyết.
Thông thường, điều trị tụt canxi máu đơn giản làm cho các triệu chứng bệnh biến mất ngay lập tức. Tuy nhiên, bệnh tụt canxi máu thường có nguyên nhân liên quan đến các tình trạng khác, nhưng bằng cách điều trị tụt canxi máu, bệnh nhân cũng có thể giảm các triệu chứng khác.
Nguyên nhân gây hạ canxi máu thường gặp
Hạ canxi máu thường xảy ra khi lượng canxi lớn bị thải ra ngoài cơ thể trong quá trình đi tiểu hoặc có quá ít canxi từ xương đi vào máu. Nguyên nhân hạ canxi máu phụ thuộc vào tình trạng và rối loạn hiện tại của từng người bệnh. Vì trong cơ thể và máu có nhiều chức năng và yếu tố phức tạp liên quan đến việc duy trì mức canxi ổn định. (2)
Nguyên nhân phổ biến gây hạ canxi máu gồm:
- Suy tuyến cận giáp: Bệnh xảy ra khi tuyến cận giáp không tạo đủ hormone. Mức hormone tuyến cận giáp thấp khiến lượng canxi trong cơ thể giảm. Nguyên nhân suy tuyến cận giáp có thể do rối loạn di truyền, một hoặc nhiều tuyến cận giáp, tuyến giáp đã được phẫu thuật cắt bỏ.
- Thiếu vitamin D: Chất này giúp cơ thể hấp thụ canxi đúng cách. Nếu cơ thể thiếu vitamin D sẽ làm lượng canxi trong máu giảm. Nguyên nhân thiếu vitamin D có thể do rối loạn di truyền, không nhận đủ ánh sáng mặt trời hoặc không bổ sung đủ vitamin D cho cơ thể.
- Thiếu canxi: Nếu người bệnh không hấp thụ đủ lượng canxi cần thiết hoặc cơ thể rối loạn nội tiết, cản trở khả năng hấp thụ canxi cũng gây hạ canxi máu.
- Suy thận: Khi nồng độ photpho trong máu tăng lên, thận giảm sản xuất một loại vitamin D nhất định, gây hạ canxi máu.
Một số nguyên nhân khác gây hạ canxi máu như:
- Một số loại thuốc: bisphosphonates, corticosteroid, rifampin, calcitonin, chloroquine, cinacalcet, denosumab, foscarnet và plicamycin đều có tác dụng phụ có thể gây hạ canxi máu.
- Bệnh giả suy tuyến cận giáp: Đây là rối loạn di truyền khiến cơ thể không phản ứng đúng với lượng hormone tuyến cận giáp bình thường. Cơ thể hoạt động như thể không đủ hormone tuyến cận giáp nhưng thực tế lượng hormone này vẫn ở mức bình thường.
- Một số rối loạn di truyền hiếm gặp - sinh ra không có tuyến cận giáp: Một số người sinh ra không có tuyến cận giáp. Trường hợp khác, người bệnh mắc hội chứng DiGeorge (rối loạn suy giảm miễn dịch nguyên phát liên quan đến khuyết tật của tế bào T) do thiếu một phần nhiễm sắc thể 22 làm tuyến cận giáp nhỏ hơn bình thường.
- Hạ magie máu: Tuyến cận giáp cần magie để tạo và giải phóng hormone tuyến cận giáp. Vì vậy, khi magie quá thấp, hormone không sản xuất đủ nên nồng độ canxi trong máu giảm.
Các yếu tố nguy cơ của bệnh tụt canxi máu
Có một số yếu tố nguy cơ tăng của bệnh tụt canxi máu, bao gồm:
- Thiếu vitamin D.
- Rối loạn tuyến cận giáp.
- Phẫu thuật tuyến cận giáp.
- Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp.
- Tiền sử gia đình mắc các bệnh di truyền như đột biến gen, rối loạn vitamin D hoặc hội chứng DiGeorge.
Người bệnh có thể xác định mình có bị tụt canxi máu hay không thông qua xét nghiệm máu. Xét nghiệm này cũng giúp xác định nguyên nhân gây bệnh là do thận hoặc tuyến cận giáp. Khi mức canxi trong máu < 8,8 Mg/dL, người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh tụt canxi máu. Đôi khi, người bệnh cần xét nghiệm thêm để tìm ra nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ sẽ tiến hành một số xét nghiệm bổ sung như siêu âm thận hoặc xét nghiệm di truyền.
Bệnh tụt canxi có nguy hiểm không?
Đáp án là có, bệnh tụt canxi có thể trở nên nghiêm trọng và gây ra các biến chứng đe dọa tính mạng như co giật hoặc suy tim sung huyết nếu không được điều trị kịp thời. Tụt canxi máu có thể được điều trị. Các triệu chứng tụt canxi máu thường biến mất khi mức canxi của bạn trở lại bình thường. Vì vậy, nếu bạn phát hiện có triệu chứng nghi ngờ tụt canxi máu, hãy gặp bác sĩ để được khám, chẩn đoán và điều trị sớm để giảm nguy cơ biến chứng.
Các biến chứng tụt canxi máu thường gặp
Một số biến chứng tụt canxi máu thường gặp, bao gồm:
- Da khô: Nếu bạn nhận thấy da trở nên khô hơn bình thường, hãy quan tâm đến chế độ ăn uống. Điều này có thể là dấu hiệu cảnh báo bạn đang thiếu canxi.
- Móng tay dễ gãy: Giống như xương, móng tay cần lượng canxi nhất định để duy trì cấu trúc. Nếu thiếu canxi, móng tay sẽ khô, giòn, yếu, dễ bong tróc và gãy. Khi móng tay yếu, không đủ dày để chịu lực của bất kỳ tác động nào, nó sẽ dễ gãy.
- Chuột rút: Tình trạng này là một trong những triệu chứng đầu tiên báo hiệu bạn đang thiếu canxi. Bạn sẽ đau cơ bắp, đặc biệt ở đùi, cánh tay và nách khi di chuyển hoặc đi bộ.
- Mất ngủ: Thiếu canxi trong chế độ ăn uống có thể gây mất ngủ. Một số người bệnh ngủ nhưng không sâu giấc, thức dậy luôn cảm thấy mệt mỏi.
- Răng bị sâu, chậm mọc: Canxi là yếu tố cần thiết cho sức khỏe răng miệng. Vì vậy, nếu bạn thiếu canxi, có thể gây ảnh hưởng đến răng như sâu răng hoặc trẻ chậm mọc răng hơn so với các trẻ cùng tuổi.
- Co giật: Canxi kết hợp với magie và vitamin D có tác dụng điều chỉnh các xung điện của cơ thể. Nếu mức canxi không phù hợp, có thể khiến cơ bắp co giật, co thắt.
- Co thắt thanh quản: Tụt canxi máu nặng với nồng độ canxi huyết tương < 7mg/dL (1,75nmol/L) gây co thắt thanh quản.
- Rối loạn nhịp tim, suy tim cấp: Tình trạng này diễn ra khi bệnh chuyển biến nặng báo hiệu hạ canxi máu cấp tính, nồng độ canxi huyết tương < 1,9 mmol/l có thể gây các biểu hiện lâm sàng và cận lâm sàng như khó thở, suy tim cấp,...
- Chậm dậy thì, ảnh hưởng đến kinh nguyệt: Thiếu hụt canxi trong cơ thể khiến thanh thiếu niên chậm dậy thì. Ở nữ giới, bệnh gây các vấn đề dậy thì liên quan đến thời kỳ rụng trứng như đau bụng tiền kinh nguyệt.
Điều trị hạ canxi máu
Điều trị hạ canxi máu bằng cách uống thuốc là phổ biến nhất. Có một số phương pháp và loại thuốc điều trị hạ canxi máu, bao gồm:
- Thuốc canxi dạng uống: Thuốc canxi được sử dụng để khôi phục lượng canxi trong cơ thể về mức bình thường.
- Bổ sung vitamin D: Người bị hạ canxi máu mạn tính thường cần bổ sung vitamin D cùng với thuốc canxi để cơ thể hấp thụ canxi đúng cách.
- Dạng tổng hợp của hormone tuyến cận giáp: Nếu người bệnh bị suy tuyến cận giáp gây hạ canxi máu, bác sĩ sẽ cho dùng dạng hormone tuyến cận giáp tổng hợp.
- Canxi gluconate tiêm tĩnh mạch: Nếu người bệnh gặp chuột rút, co thắt cơ và tình trạng hạ canxi máu nghiêm trọng, bác sĩ sẽ tiêm tĩnh mạch canxi gluconate để điều trị.
- Các loại thuốc khác: Nguyên nhân gây bệnh cũng là yếu tố quan trọng cần nắm khi điều trị hạ canxi máu. Tùy thuộc vào nguyên nhân gây hạ canxi máu, bác sĩ có thể điều chỉnh liều lượng hoặc thay đổi thuốc khác để điều trị, đưa mức canxi trở lại bình thường và kiểm soát nguyên nhân gây bệnh.
Cách phòng cơ thể bị tụt canxi máu
Có một số cách phòng ngừa tụt canxi máu, bao gồm:
- Đảm bảo tiêu thụ đủ lượng canxi và vitamin D hàng ngày thông qua chế độ ăn uống như phô mai, các loại hạt, đậu, sữa chua, cá hồi, cá thu, cá ngừ, tôm, hoặc thuốc bổ.
- Giảm sử dụng thuốc lắc.
- Hạn chế uống rượu.
- Thường xuyên tham gia các hoạt động thể thao tốt cho sức khỏe xương như đi bộ, bóng rổ, bơi lội.
- Bổ sung vitamin D bằng cách tắm nắng trước 9 giờ sáng và sau 15 giờ chiều.
- Không hút thuốc lá.
Khi nào người bị hạ canxi máu nên đến cơ sở y tế?
Nếu bạn gặp phải các triệu chứng của hạ canxi máu, hãy đến gặp bác sĩ khoa Nội tiết - Đái tháo đường để được chẩn đoán và đưa ra phương án điều trị phù hợp với tình trạng của mình. Sau khi được chẩn đoán mắc bệnh tụt canxi máu, bạn cần thực hiện các xét nghiệm thường xuyên để đảm bảo mức canxi trong máu không giảm quá thấp, đặc biệt là đối với trẻ em và những người mắc hạ canxi máu mạn tính.
Người bệnh được chẩn đoán mắc bệnh hạ canxi máu có thể hỏi bác sĩ một số câu hỏi như:
- Nguyên nhân gây bệnh hạ canxi máu của mình là gì?
- Người bệnh sẽ bị hạ canxi máu trong bao lâu?
- Người bệnh dùng thuốc điều trị bệnh hạ canxi máu trong bao lâu?
- Khi nào triệu chứng bệnh sẽ mất sau khi tiếp nhận điều trị?
- Hạ canxi máu có di truyền không?
Tụt canxi máu là một bệnh phổ biến. Trong giai đoạn ban đầu, bệnh thường không có nhiều dấu hiệu rõ rệt. Tuy nhiên, việc thiếu cân bằng dinh dưỡng và không quan tâm đến điều trị kịp thời có thể khiến tình trạng tụt canxi máu trở nên nghiêm trọng hơn và nguy hiểm đến tính mạng. Vì vậy, hãy đến gặp bác sĩ để được khám và đưa ra liệu trình điều trị cũng như điều chỉnh thực đơn dinh dưỡng phù hợp. Khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, có đội ngũ chuyên gia giàu kinh nghiệm và trang thiết bị hiện đại, sẽ hỗ trợ bạn trong quá trình khám, chẩn đoán và điều trị bệnh tụt canxi máu.
Hiện nhiều người vẫn chủ quan và ít quan tâm đến bệnh tụt canxi máu. Tuy nhiên, bệnh này rất nguy hiểm, có thể gây nhiều biến chứng và thậm chí ảnh hưởng đến tính mạng. Hy vọng qua bài viết "Bệnh tụt canxi có nguy hiểm không? Các biến chứng thường gặp", mọi người sẽ hiểu rõ hơn về bệnh và quan tâm hơn tới việc bổ sung canxi, vitamin D và các chất dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể.