Đau đầu mất ngủ là bệnh gì?
Đau đầu mất ngủ là một tình trạng bệnh lý phổ biến, có thể gây ra từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Vấn đề này có thể do hệ thần kinh không được nghỉ ngơi đầy đủ, mắc các bệnh lý tiềm ẩn liên quan hoặc cơ thể thiếu dưỡng chất. Tình trạng này thường xảy ra vào ban đêm, gây khó khăn cho người bệnh trong việc trở lại giấc ngủ trọn vẹn. Chứng đau đầu hoặc đau nửa đầu có thể xuất hiện trong suốt quá trình này. Đau đầu mất ngủ, nếu kéo dài, có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần và thể chất, dẫn đến mệt mỏi, uể oải, suy nhược thần kinh và nguy cơ sức khỏe nguy hiểm khác.
Mối liên hệ giữa đau đầu và mất ngủ
Đau đầu và các vấn đề về giấc ngủ có liên quan chặt chẽ với nhau theo nhiều cách, tạo thành một vòng tròn luẩn quẩn. Mất ngủ có thể gây đau đầu do thần kinh bị căng thẳng, không được nghỉ ngơi đầy đủ. Ngược lại, đau đầu sẽ khiến bạn khó ngủ hơn và sau đó lại tiếp tục dẫn đến tình trạng đau đầu. Khi giấc ngủ không đủ, cơn đau đầu có thể trở nên trầm trọng hơn, đặc biệt là đau nửa đầu. Thiếu giấc ngủ có thể làm tăng số lượng protein trong cơ thể, khiến ngưỡng chịu đau giảm, dẫn đến nhiều cơn đau mạn tính. Nghiên cứu từ Đại học Missouri (Hoa Kỳ) cũng chỉ ra rằng thiếu giấc ngủ REM (giấc ngủ mắt chuyển động nhanh) có thể gây ra tình trạng đau đầu khó ngủ. Giấc ngủ REM là thời điểm cơ thể tái tạo năng lượng, do đó thiếu nó có thể gây ra đau đầu và những cơn đau khác.
Nguyên nhân gây đau đầu mất ngủ phổ biến
Có nhiều nguyên nhân gây ra đau đầu mất ngủ, trong đó các nguyên nhân phổ biến nhất bao gồm:
Do căng thẳng, stress
Đau đầu do căng thẳng là một trong những loại rối loạn đau đầu phổ biến hàng đầu, đặc biệt là đau nửa đầu. Mối liên kết chặt chẽ giữa đau đầu do căng thẳng và thiếu ngủ đã được chứng minh qua nghiên cứu. Hai tình trạng này có mối quan hệ hai chiều, tức là đau đầu có thể gây rối loạn giấc ngủ, và ngược lại, rối loạn giấc ngủ cũng gây kích hoạt các cơn đau đầu. Điều này thường liên quan tới các yếu tố về cảm xúc, căng thẳng hoặc trầm cảm.
Do tuổi tác
Theo tuổi tác, thời lượng giấc ngủ sẽ giảm dần. Hormone Melatonin, có tác dụng giúp duy trì nhịp thức ngủ sinh học, giảm dần theo tuổi tác. Điều này là lý do người già thường khó ngủ.
Thay đổi thời tiết
Thay đổi thời tiết như mưa bão, nắng nóng, thay đổi độ ẩm... cũng có thể gây đau đầu và mất ngủ. Sự thay đổi về áp suất khi thay đổi thời tiết có thể tác động tới hoạt chất và điện não, gây kích thích đến hệ thần kinh và dẫn tới đau đầu và mất ngủ.
Mất cân bằng dinh dưỡng
Thiếu máu hay mất cân bằng dinh dưỡng khiến cản trở quá trình tuần hoàn máu đến não, cũng là một trong những nguyên nhân phổ biến gây ra đau đầu mất ngủ.
Thói quen sinh hoạt thiếu khoa học
Thức khuya, không tuân thủ giờ giấc sinh hoạt, ăn uống thiếu điều độ, sử dụng nhiều rượu bia, chất kích thích... cũng có nguy cơ gây đau đầu và ảnh hưởng đến giấc ngủ. Các thói quen sinh hoạt thiếu khoa học có tác động không tốt đến dinh dưỡng, thần kinh, nhịp sinh học, khiến cơ thể không có được một lịch trình ngủ nghỉ đúng cách.
Ô nhiễm tiếng ồn
Sống trong môi trường có tiếng ồn lớn có thể tác động tới hệ thần kinh và gây ra đau đầu mất ngủ. Môi trường ngủ không yên tĩnh và không thoải mái là một nguyên nhân gây đau đầu mất ngủ.
Sử dụng thuốc
Một số loại thuốc như thuốc cảm cúm, thuốc chống dị ứng có thể gây đau đầu, khó ngủ, mệt mỏi, thiếu tập trung. Nếu gặp phải tình trạng này, bạn cần kiểm tra lại các loại thuốc mình đang sử dụng.
Do bệnh lý
Đau đầu mất ngủ có thể là dấu hiệu cảnh báo của nhiều bệnh lý, trong đó thường thấy nhất là các bệnh mãn tính như thiếu máu não, suy nhược thần kinh, tiểu đường hay lupus ban đỏ, rối loạn tiền đình... Bệnh viêm xoang cũng có nguy cơ cao là nguyên nhân tiềm ẩn phía sau khi gần 90% người mắc viêm xoang gặp phải chứng đau nửa đầu.
Đau đầu mất ngủ có thể tiềm ẩn nhiều nguy hiểm
Đau đầu mất ngủ không đơn giản là bệnh lý thông thường, mà còn có thể là biểu hiện tiềm ẩn của nhiều vấn đề sức khỏe. Nó có thể là triệu chứng ban đầu của nhiều bệnh mãn tính như tiểu đường, thiếu máu não, lupus ban đỏ... và nhiều bệnh mãn tính khác. Đau đầu mất ngủ cũng cho thấy nguy cơ thiếu máu, thiếu dinh dưỡng. Vì vậy, việc đảm bảo dinh dưỡng cân bằng và chế độ ngủ nghỉ lành mạnh là cần thiết để giảm nguy cơ mắc các bệnh tiềm ẩn.
Hướng điều trị chứng đau đầu mất ngủ
Lựa chọn bệnh để chữa trị trước
Để điều trị đau đầu mất ngủ hiệu quả, bạn cần xác định nguyên nhân chính. Nếu bệnh bắt nguồn từ đau đầu, cần tập trung chữa trị đau đầu trước, từ đó vấn đề mất ngủ cũng sẽ được cải thiện theo. Ngược lại, nếu mất ngủ gây ra đau đầu, cần khắc phục mất ngủ trước để ngăn ngừa các cơn đau. Bạn cũng nên áp dụng những thói quen làm tăng chất lượng giấc ngủ, bao gồm hạn chế căng thẳng, lo lắng khi đi ngủ, ngủ và thức dậy cùng một khung giờ mỗi ngày, giữ không gian phòng ngủ tối, mát mẻ và yên tĩnh, không tiếp xúc với các thiết bị điện tử trước giờ ngủ, không hút thuốc lá hoặc sử dụng các chất kích thích và vận động thể chất một cách điều độ và đều đặn vào ban ngày.
Thêm những thực phẩm hỗ trợ điều trị đau đầu mất ngủ vào thực đơn hàng ngày
Bạn có thể cải thiện triệu chứng mất ngủ và đau đầu bằng cách bổ sung các thực phẩm phù hợp vào thực đơn hằng ngày. Việc này không chỉ tăng cường dinh dưỡng mà còn hỗ trợ giấc ngủ và giảm bớt các cơn đau. Một số thực phẩm như cá béo, hạnh nhân, hạt óc chó, chuối, bơ, trứng, yến mạch, trà hoa cúc, các sản phẩm từ sữa... đều có lợi cho giấc ngủ và não bộ.
Kết hợp nghỉ ngơi và rèn luyện phù hợp
Để tăng cường sức khỏe nói chung và giấc ngủ ngon, hạn chế cơn đau nói riêng, không thể thiếu việc nghỉ ngơi kết hợp rèn luyện hàng ngày. Thậm chí chỉ vận động 15-30 phút mỗi ngày cũng đủ giúp bạn thải độc qua mồ hôi, giảm căng thẳng và có giấc ngủ tốt hơn. Vận động cũng giúp giải phóng endorphins, loại hormone giảm đau tự nhiên, giúp giảm bớt tần suất và mức độ của các cơn đau đầu.
Ngủ bao nhiêu mỗi ngày là đủ?
Đối với hầu hết mọi người, ngủ từ 7 đến 9 tiếng mỗi ngày được coi là đủ để đảm bảo sức khỏe. Ngủ ít hơn 7 tiếng được xem là ngủ ít. Tuy nhiên, thời gian ngủ cần thiết sẽ thay đổi theo độ tuổi. Trẻ em cần ngủ nhiều hơn người lớn. Dưới đây là thời lượng ngủ khuyến nghị cho từng nhóm tuổi:
- Trẻ sơ sinh - 3 tháng tuổi: Từ 14 - 17 tiếng
- Trẻ 4 - 11 tháng tuổi: Từ 12 - 15 tiếng
- Trẻ 1 - 2 tuổi: Từ 11 - 14 tiếng
- Trẻ 3 - 5 tuổi: Từ 10 - 13 tiếng
- Trẻ 6 - 13 tuổi: Từ 9 - 11 tiếng
- Trẻ 14 - 17 tuổi: Từ 8 - 10 tiếng
- Người từ 18 - 64 tuổi: Từ 7 - 9 tiếng mỗi đêm
- Người trên 65 tuổi: Từ 7 - 8 tiếng mỗi đêm
Cách để có giấc ngủ tốt giúp ngăn ngừa đau đầu
Các cơn đau đầu mất ngủ có thể giảm bớt nếu bạn có lịch trình ngủ nghỉ lành mạnh và khoa học. Để hỗ trợ việc ngủ dễ và ngủ sâu hơn, bạn có thể áp dụng một số lời khuyên sau:
- Tập thể dục thường xuyên: Tiêu hao năng lượng trong ngày thông qua vận động thể thao giúp bạn có giấc ngủ tốt hơn. Hạn chế vận động mạnh trước giờ ngủ để không kích thích quá mức và gây khó ngủ. Nếu có thể, tập thể dục ít nhất 3 giờ trước khi đi ngủ.
- Ăn nhẹ vào bữa tối: Ăn quá no hoặc ăn quá nhiều đồ ăn dầu mỡ có thể gây khó tiêu hoặc thừa thãi năng lượng, khiến bạn khó ngủ sâu hơn.
- Giữ giờ ngủ ổn định: Đi ngủ và thức dậy cùng một khung giờ mỗi ngày giúp cơ thể điều chỉnh giấc ngủ một cách tốt hơn. Duy trì thói quen này ngay cả khi bạn có nhiều thời gian rảnh rỗi như cuối tuần.
- Hạn chế chất kích thích: Tránh sử dụng bia rượu, chất chứa nicotine và caffeine trong khoảng 4-6 giờ trước giờ ngủ. Những chất kích thích này có thể gây khó ngủ, thậm chí làm mất ngủ suốt đêm.
- Loại bỏ yếu tố gây ảnh hưởng tới giấc ngủ: Tránh sử dụng thiết bị điện tử, điện thoại và những vật liên quan tới công việc trong phòng ngủ. Phòng ngủ chỉ nên dành riêng cho nghỉ ngơi.
- Tạo thói quen tốt trước giờ ngủ: Thay vì dùng điện thoại hoặc laptop, thử thay thế bằng cách đọc sách, thiền hoặc tắm nước ấm trước khi đi ngủ. Những thói quen này giúp thư giãn tinh thần và có giấc ngủ tốt hơn.
- Không ép bản thân phải ngủ: Đừng cố ép bản thân phải ngủ khi chưa thực sự buồn ngủ. Thay vào đó, bạn có thể thức thêm 30 phút đến 1 tiếng. Cố ép bản thân ngủ có thể làm tăng cảm giác bực bội, khó chịu và khiến bạn ngủ càng khó hơn.
Thiếu ngủ và nhức đầu có thể có những ảnh hưởng xấu tới sức khỏe và khó phục hồi. Nếu cảm thấy tình trạng đau đầu mất ngủ không thuyên giảm sau khi áp dụng nhiều cách cải thiện tại nhà, bạn nên nhanh chóng đi kiểm tra sức khỏe để có thể phát hiện sớm các bệnh lý tiềm ẩn nếu có. Từ đó, bạn có thể điều trị đau đầu mất ngủ đúng cách và kịp thời.