Thiếu máu não là một trong những vấn đề sức khỏe thường gặp ở nhiều người. Vậy với chế độ dinh dưỡng hàng ngày, người bệnh thiếu máu não nên ăn những thực phẩm nào để cải thiện tình trạng? Hãy cùng khám phá 9 loại thực phẩm có khả năng cải thiện hiệu quả thiếu máu não.
Thiếu máu não nên ăn gì?
Thiếu máu não là tình trạng máu không lưu thông đủ đến não, gây ra những triệu chứng như đau đầu, chóng mặt, mất tập trung, khó ngủ, giảm trí nhớ. Việc xây dựng chế độ dinh dưỡng phù hợp nhằm tăng cường lưu thông máu và cung cấp dưỡng chất cho não là vô cùng quan trọng, cần thiết. Dưới đây là những loại thực phẩm nên ăn, giải đáp phần nào thắc mắc thiếu máu lên não nên ăn gì của bạn đọc.
1. Cá béo
Cá béo như cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá mòi...là những loại thực phẩm giúp cải thiện tình trạng thiếu máu lên não. Thành phần của các loại cá béo này chứa nhiều acid béo omega-3, đặc biệt là acid docosahexaenoic (DHA) và acid eicosapentaenoic (EPA) mang đến khả năng làm giảm viêm nhiễm, giảm độ nhớt của máu, tăng cường lưu thông máu. Omega-3 còn có tác dụng chống vi khuẩn và viêm nhiễm trong hệ thống tuần hoàn cũng như giảm nguy cơ hình thành các cục máu đông trong mạch máu.
2. Rau họ cải
Rau họ cải như cải bó xôi, cải thìa, cải xoăn và cải bẹ...là những loại thực phẩm giàu chất chống oxy hóa và chứa nhiều chất dinh dưỡng quan trọng có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu máu lên não. Các chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E và beta-carotene có trong rau họ cải giúp ngăn chặn sự oxy hóa, bảo vệ tế bào não khỏi tổn thương, góp phần cải thiện tình trạng lưu thông máu đến não. Ngoài ra, rau họ cải còn chứa chất chống viêm tự nhiên và là nguồn cung cấp chất xơ tuyệt vời, hỗ trợ làm giảm mức đường trong máu, duy trì sự cân bằng lưu thông máu đến não.
3. Hạt óc chó
Hạt óc chó là một trong những lựa chọn tốt cho người bị thiếu máu não. Hạt óc chó giàu chất béo không bão hòa và acid alpha-linolenic (ALA) - một loại omega-3 không bão hòa có khả năng làm giảm độ nhầy của máu, giúp cải thiện sự lưu thông máu đến não. Hạt óc chó cũng cung cấp chất xơ, chất chống oxy hóa và các khoáng chất quan trọng như magie, sắt, kẽm...giúp bảo vệ sức khỏe não bộ, hỗ trợ quá trình cung cấp dưỡng chất cho não.
4. Quả mọng
Các loại quả mọng như việt quất, dâu tây, mâm xôi...cung cấp chất chống oxy hóa và chất dinh dưỡng phong phú giúp cải thiện tình trạng thiếu máu lên não. Quả mọng chứa nhiều chất chống oxy hóa như vitamin C, vitamin E và anthocyanin giúp ngăn chặn tình trạng oxy hóa gây tổn thương tế bào não. Các loại quả mọng còn chứa chất chống viêm flavonoid và polyphenol giúp ngăn chặn tình trạng viêm nhiễm trong hệ thống tuần hoàn, cải thiện sự lưu thông máu đến não, bảo vệ mạch máu não khỏi tổn thương. Quả mọng cũng là nguồn cung cấp chất xơ, vitamin K, kali và magie rất tốt cho não bộ và sức khỏe tổng thể.
5. Trứng
Trứng là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng giúp cải thiện tình trạng thiếu máu lên não. Trứng cung cấp nhiều protein có vai trò xây dựng và sửa chữa các mô, tế bào trong cơ thể, góp phần duy trì sức khỏe, cải thiện chức năng của tế bào não. Trong trứng còn chứa chất choline, được ví von như một loại “thức ăn cho não” và giúp tăng cường trí nhớ. Trứng cũng là nguồn cung cấp chất béo không bão hòa, acid béo omega-3 và nhiều nhóm vitamin, khoáng chất như vitamin B12, vitamin D, sắt, kẽm...giúp cải thiện lưu thông máu đến não cũng như tăng cường hệ thống miễn dịch.
6. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là một nguồn dinh dưỡng quan trọng giúp cải thiện và phòng ngừa tình trạng thiếu máu não hiệu quả. Các loại ngũ cốc nguyên hạt chứa nhiều hợp chất chống oxy hóa giúp bảo vệ tế bào não khỏi tác động tiêu cực của các gốc tự do cũng như hỗ trợ cải thiện lưu lượng máu đến não. Ngũ cốc nguyên hạt còn cung cấp acid béo Omega-3, giúp cải thiện chức năng não và giảm viêm.
7. Các sản phẩm từ đậu nành
Các sản phẩm từ đậu nành như đậu hũ, sữa đậu nành và miso...cũng là những lựa chọn phổ biến cho người bị thiếu máu não. Đậu nành là một nguồn thực phẩm giàu chất dinh dưỡng có thể hỗ trợ cải thiện tình trạng thiếu máu não. Đậu nành chứa hợp chất isoflavones, mang đến khả năng tăng cường sự lưu thông máu và làm giảm viêm. Đậu nành cũng giúp cung cấp Omega-3, protein và chất xơ, tốt cho não.
8. Thịt bò
Thịt bò là một trong những thực phẩm có thể giúp cải thiện tình trạng thiếu máu não. Thịt bò rất giàu protein, có vai trò cung cấp năng lượng cho cơ thể và các tế bào não. Thành phần của thịt bò còn chứa sắt và vitamin B12, kích thích sản sinh các tế bào hồng cầu cần thiết để vận chuyển oxy tới não. Thịt bò cũng chứa các chất dinh dưỡng như selenium, zinc, vitamin E, Omega-3...giúp cải thiện chức năng não, giảm viêm. Tuy nhiên, bạn nên ăn thịt bò ở mức độ vừa phải để tránh làm tăng lượng cholesterol xấu trong cơ thể.
9. Rau củ và trái cây
Rau củ, trái cây là nguồn cung cấp vitamin C giúp cơ thể hấp thụ sắt tốt hơn. Nếu thiếu sắt, cơ thể không thể vận chuyển oxy tới não, dễ dẫn đến tình trạng thiếu máu não. Rau củ và trái cây cũng chứa nhiều chất xơ giúp duy trì đường huyết ổn định, đảm bảo cung cấp năng lượng cho não.
Thiếu máu não nên uống gì?
Bên cạnh việc tìm hiểu về thiếu máu não nên ăn gì, cũng cần quan tâm đến việc uống những loại nước phù hợp để cung cấp dưỡng chất cho cơ thể và hỗ trợ cải thiện tình trạng thiếu máu não. Một số loại nước uống tốt cho người bị thiếu máu não bao gồm nước lọc, nước ép hoa quả giàu vitamin C, nước ép rau củ, trà gừng và trà xanh, các loại sữa (sữa bò, sữa tách béo , sữa đậu nành, sữa chua tự nhiên).
Thiếu máu não không nên ăn gì?
Ngoài việc tìm hiểu về thiếu máu não nên ăn gì, cũng cần hạn chế một số nhóm thực phẩm không tốt cho tình trạng thiếu máu não. Hạn chế thức ăn nhanh, thực phẩm đóng hộp, rượu bia, đồ uống có cồn, nước ngọt có ga, đồ ăn nhiều đường và đồ ăn giàu tinh bột như bánh mì trắng, bánh ngọt, mì gói...giúp duy trì sức khỏe tổng thể và giảm nguy cơ tắc nghẽn mạch máu não.
Cải thiện tình trạng thiếu máu não bằng thuốc
Ngoài việc chú ý vào chế độ ăn uống, cần phải xem xét việc sử dụng thuốc để cải thiện tình trạng thiếu máu não. Tuy nhiên, việc sử dụng thuốc phải được chỉ định bởi bác sĩ và kết hợp với chế độ dinh dưỡng lành mạnh, tập thể dục thường xuyên và kiểm soát các yếu tố rủi ro khác.
Nguồn: gtnfoods.com.vn
Số tham khảo: 2