Bạn đã bao giờ tự hỏi chế độ ăn uống có ảnh hưởng đến sức khỏe tim mạch của bạn không? Thực tế là cách bạn ăn uống có thể ảnh hưởng đến cân nặng, huyết áp, mức cholesterol và lượng đường trong máu của bạn - tất cả đều là yếu tố nguy cơ tác động đến sức khỏe tim mạch. Đối với những bệnh nhân hở van tim, việc tuân thủ thực đơn lành mạnh có thể giúp làm chậm sự tiến triển của bệnh và ngăn ngừa biến chứng. Vậy người bệnh hở van tim nên ăn gì và kiêng gì?
Chế độ ăn uống có lợi cho sức khỏe tim mạch như thế nào?
Nếu bạn bị hở van tim, điều quan trọng là phải duy trì một chế độ ăn uống lành mạnh hạn chế nguy cơ bệnh tiến triển. Cụ thể, thực đơn phù hợp giúp kiểm soát tốt bệnh, ngăn ngừa các biến chứng xảy ra, đồng thời phòng tránh việc xuất hiện các bệnh lý tim mạch khác. Ngoài ra, nếu bạn đang dùng các loại thuốc điều trị bệnh, chẳng hạn như thuốc chống đông máu, thuốc hạ huyết áp, thuốc điều chỉnh nhịp tim... bạn cần tránh một số thực phẩm để không làm giảm tác dụng của thuốc. (1)
Hở van tim nên ăn gì?
Tương tự như khẩu phần ăn dành cho người bệnh tim mạch, thực đơn thân thiện với người bệnh với van tim nên được tăng cường, gồm:
1. Trái cây và rau củ
Trái cây và các loại rau củ chứa hàm lượng lớn vitamin và chất dinh dưỡng lành mạnh, có lợi cho sức khỏe tim mạch. Chúng cũng là một nguồn chất xơ tuyệt vời giúp giảm mức cholesterol trong máu và cải thiện các triệu chứng hở van tim. Thêm vào đó, những thực phẩm này còn có lượng calo thấp nên rất lý tưởng trong việc duy trì huyết áp và cân nặng hợp lý.
Ví dụ, bạn có thể ăn nhiều loại rau củ và trái cây với màu sắc đa dạng như: xanh (cải xoăn, tần ô, xà lách xoong, rau muống, bông cải xanh…), vàng - cam (dưa lưới, cam, cà rốt…), đỏ (táo, dưa hấu, thanh long…), trắng (củ cải, bắp cải, bông cải trắng…).
2. Ngũ cốc nguyên hạt
Ngũ cốc nguyên hạt là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cùng các chất dinh dưỡng khác có vai trò điều hòa huyết áp và cải thiện sức khỏe tim mạch. Bạn có thể tăng lượng ngũ cốc nguyên hạt trong khẩu phần ăn hàng ngày bằng cách thay thế chúng cho các sản phẩm ngũ cốc tinh chế, chẳng hạn như:
- Ngũ cốc nguyên cám 100%
- Bánh mì, sandwich làm từ ngũ cốc nguyên hạt
- Gạo lứt
- Mì ống làm từ ngũ cốc nguyên hạt
- Bột yến mạch, diêm mạch, lúa mạch…
3. Cá giàu omega-3
Thay vì ăn các loại thịt đỏ chứa nhiều chất béo và cholesterol, bạn hãy tăng cường món cá trong khẩu phần ăn của mình. Một số loại cá rất giàu axit béo omega-3, có tác dụng làm giảm chất béo trung tính (Triglyceride - loại chất béo làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch). Các loại cá giàu axit béo được khuyên chọn là cá hồi, cá thu, cá ngừ, cá trích.
Ngoài ra, nguồn omega-3 tốt còn có trong các loại thực vật. Bạn có thể chọn hạt lanh, quả óc chó, đậu nành, dầu hạt cải…
4. Thịt gia cầm
Người bị hở van tim nói riêng và bệnh tim mạch nói chung đều được khuyên hạn chế ăn thịt đỏ, nhất là thịt mỡ. Và lựa chọn thay thế cho chúng chính là thịt gia cầm (gà, vịt, ngan, chim…). Khi chọn thịt, hãy ưu tiên loại thịt nạc có ít hơn 10% chất béo. Tốt hơn nữa, bạn hãy loại bỏ da để giảm lượng chất béo bão hòa trong khẩu phần ăn của mình.
5. Các loại đậu
Các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu nành, đậu đen, đậu rồng… là nguồn cung cấp protein tuyệt vời nên thường được khuyến cáo bổ sung vào thực đơn cho bệnh nhân tim mạch. Việc tiêu thụ nhiều protein có lợi từ thực vật trong bữa ăn chính hoặc bổ sung bữa phụ sẽ giúp hạn chế dung nạp các thực phẩm không tốt cho tim mạch như carbohydrate rỗng, đồ ngọt, thức ăn nhanh…
6. Sữa tách béo hoặc ít béo
Những sản phẩm từ sữa ít béo hoặc sữa tách béo như sữa tươi, sữa chua, phô mai… có hàm lượng chất béo bão hòa, cholesterol và calo thấp hơn nhiều so với sản phẩm được làm từ sữa nguyên chất. Điều tuyệt vời hơn là, lượng chất dinh dưỡng mà chúng cung cấp không thua kém sữa nguyên chất, thậm chí còn cao hơn. Vì thế, nếu bạn đã quen với các sản phẩm sữa nguyên chất, hãy thử thay đổi từ từ, bắt đầu với sữa ít béo trước, sau đó chuyển sang sữa tách béo hoàn toàn.
7. Chất béo lành mạnh
Không phải tất cả các loại chất béo và dầu thực vật đều có công dụng như nhau, nhất là đối với sức khỏe tim mạch. Trong khi chất béo không bão hòa được khuyên dùng trong thực đơn cho người bệnh tim mạch, thì chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa là những loại chất béo xấu, cần cắt giảm. Bạn có thể giảm lượng cholesterol trong máu bằng cách tăng cường chất béo không bão hòa, có trong dầu ô liu, dầu hướng dương, dầu hạt cải (tránh dùng dầu dừa, dầu cọ - những nguồn thực phẩm có hàm lượng chất béo bão hòa rất cao).
8. Đồ ăn vặt
Bệnh nhân hở van tim không nên ăn nhiều bánh kẹo ngọt, bánh quy mặn, kem, chè… vì chúng chứa nhiều muối/đường, không tốt cho sức khỏe trái tim. Nhưng điều đó không có nghĩa là người bệnh tim mạch thì không thể ăn vặt. Bạn có thể chọn những loại đồ ăn vặt vừa ngon vừa bổ dưỡng như các loại hạt (hạnh nhân, óc chó, hạt điều, đậu phộng…), ngũ cốc sấy khô, trái cây sấy khô, sinh tố/nước ép ít đường… Thỉnh thoảng, hãy tự thưởng cho bản thân một mẩu bánh ngọt - điều đó là hoàn toàn có thể, miễn sao bạn giảm bớt lượng đường có trong các món ăn khác để cân bằng hàm lượng đường dung nạp mỗi ngày.
Hở van tim nên kiêng gì?
Những thực phẩm dưới đây được khuyến nghị nên hạn chế đưa vào thực đơn của người bệnh hở van tim:
1. Thực phẩm nhiều muối
Việc ăn quá nhiều muối có thể dẫn đến tình trạng tăng huyết áp, một yếu tố nguy cơ của bệnh tim mạch. Vì thế, hạn chế muối trong khẩu phần ăn là một phần quan trọng của chế độ ăn tốt cho sức khỏe tim mạch. Theo khuyến cáo của Hiệp hội Tim mạch Hoa Kỳ:
- Người lớn khỏe mạnh không dung nạp quá 2.300mg natri mỗi ngày (khoảng 1 thìa cà phê muối)
- Người bị bệnh tim mạch không nạp quá 1.500mg natri mỗi ngày
Để giảm lượng muối đưa vào cơ thể hàng ngày, trước tiên bạn cần giảm bớt muối khi chế biến món ăn. Tiếp theo, hãy nói “không” với thực phẩm đóng hộp, thực phẩm chế biến sẵn và thức ăn nhanh vì chúng chứa hàm lượng muối khá cao. Cuối cùng, hãy hạn chế ăn ngoài. Thay vì vậy, nên tự nấu ăn ở nhà để dễ dàng kiểm soát lượng muối nạp vào.
2. Thực phẩm nhiều đường
Việc tiêu thụ quá nhiều đường là một trong những nguyên nhân gây tăng cân và mắc các bệnh lý tim mạch, trong đó có hở van tim.
Theo một số nghiên cứu, ăn nhiều thực phẩm chứa hàm lượng đường cao dễ dẫn đến tăng cân, tăng huyết áp, tăng hàm lượng chất béo trung tính. Đây đều là những yếu tố nguy cơ dẫn tới bệnh tim.
Chẳng những vậy, những người tiêu thụ từ 17-21% calo từ lượng đường nạp vào còn có nguy cơ tử vong do các bệnh liên quan đến tim như suy tim, đau tim và đột quỵ. Do đó, nếu mắc bệnh về van tim, tốt nhất bạn nên tiêu thụ ít đường hơn để cải thiện các triệu chứng bệnh. Đường có nhiều trong bánh kẹo ngọt, nước ép đóng hộp, nước uống có ga…
3. Các chất béo xấu
Hạn chế ăn chất béo xấu (bao gồm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa) là một bước quan trọng để giảm lượng cholesterol trong máu và cải thiện triệu chứng bệnh van tim. Không chỉ vậy, mức cholesterol trong máu cao còn có thể dẫn đến sự tích tụ các mảng bám trong động mạch, gọi là xơ vữa động mạch, làm tăng nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Có những cách đơn giản để cắt giảm chất béo bão hòa và chất béo chuyển hóa, chẳng hạn như:
- Hạn chế ăn thịt mỡ, chọn loại thịt nạc có ít hơn 10% chất béo.
- Hạn chế sử dụng bơ thực vật khi chế biến món ăn.
- Sử dụng các thực phẩm lành mạnh để thay thế cho thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa. Ví dụ, dùng trái cây thái lát thay vì bơ thực vật để phủ lên bánh mì nướng, trộn salad bằng dầu ô liu thay vì dùng sốt mayonnaise…
- Kiểm tra nhãn thực phẩm của bánh quy, bánh ngọt, khoai tây chiên… Những thực phẩm này không chỉ có giá trị dinh dưỡng thấp mà còn có thể chứa lượng chất béo chuyển hóa khá nhiều.
4. Thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế
Càng tiêu thụ nhiều carbohydrate tinh chế, nguy cơ mắc bệnh tim mạch càng cao. Một số nghiên cứu còn chứng minh, carbs xấu có thể ảnh hưởng xấu đến sức khỏe tim mạch còn hơn cả chất béo xấu.
Vì thế, hãy hạn chế thực phẩm chứa carbohydrate tinh chế bao gồm gạo trắng, bún, phở, mì, bánh mì trắng, bánh ngọt, bánh quy, bánh rán…
Đó là một số lời khuyên về chế độ ăn uống cho người bị hở van tim. Nhớ rằng, mỗi người có thể có những nhu cầu riêng, nên tốt nhất là hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ hay chuyên gia dinh dưỡng trước khi thay đổi chế độ ăn của bạn.
Để tìm hiểu thêm thông tin bổ ích về chế độ ăn uống và sức khỏe tim mạch, bạn có thể tham khảo các nguồn tin uy tín và chuyên sâu trên internet. Hãy luôn chú ý đến sức khỏe tim mạch của mình và duy trì một lối sống lành mạnh và cân đối.
Đừng quên chăm sóc sức khỏe tim mạch của bạn - đó là quan trọng nhất!