Chè đậu ngự là một món tráng miệng quen thuộc của ẩm thực cung đình Huế. Món chè giản dị, thanh tao mà được lòng biết bao thực khách với những hạt đậu ngự trắng nõn, nước chè trong phảng phất mùi thơm của hoa bưởi, ngọt mát vị đường phèn. Nếu chưa có dịp đi Huế, bạn vẫn có thể trải nghiệm món ăn cung đình này tại nhà với cách nấu chè đậu ngự vô cùng đơn giản.
Ngoài hương vị truyền thống, FPT Shop sẽ mách bạn thêm 6 công thức chè đậu ngự kết hợp với nhiều nguyên liệu khác tạo nên món tráng miệng giải nhiệt, bổ dưỡng.
1. Cách nấu chè đậu ngự đường phèn chuẩn vị Huế
Nguyên liệu:
- Đậu ngự tươi: 200g
- Đường phèn: 150g
- Nước hoa bưởi (tinh dầu hoa bưởi): 1 thìa cà phê.
Chế biến:
- Để nấu chè đậu ngự cung đình Huế ngon, bạn nên sử dụng đậu tươi thay vì đậu khô và đường phèn để tạo vị thanh mát thay vì đường cát. Đậu ngự ngâm trong nước ấm 1 - 2 tiếng để dễ dàng bóc bỏ phần vỏ ngoài, chỉ lấy phần đậu trắng.
- Bạn luộc đậu ngự đến khi nước sôi thì vớt ra. Dùng nước sạch luộc đậu lần 2 trong khoảng 20 - 30 phút để đậu chín mềm. Bạn có thể dùng nồi áp suất luộc đậu để tiết kiệm thời gian, giúp đậu mau nhừ hơn.
- Công đoạn tiếp theo là nấu nước đường. Thêm 150g đường phèn và 4 chén nước lọc vào nồi đun sôi, khuấy cho đường tan.
- Cho đậu ngự đã chín mềm vào đun với nước đường khoảng 5 phút ở lửa nhỏ để đậu thấm vị ngọt của đường. Bạn hãy vớt bọt nếu có để nước chè trong veo đẹp mắt hơn. Cuối cùng thêm nước hoa bưởi vào rồi tắt bếp.
Vậy là bạn đã hoàn thành cách nấu chè đậu ngự chuẩn cung đình Huế. Món chè trông thì thật đơn giản nhưng lại mang hương vị hấp dẫn đến lạ, hạt đậu mềm bùi, nước chè trong, ngọt thanh rất tự nhiên.
2. Cách nấu chè đậu ngự nước cốt dừa
Nguyên liệu:
- Đậu ngự tươi: 200g
- Đường phèn: 150g
- Đường cát: 50g
- Lá dứa: 1 bó nhỏ
- Nước cốt dừa: 150ml
- Bột năng: 3 thìa cà phê.
Chế biến:
- Đậu ngự bạn sơ chế rồi luộc chín mềm, sau đó đun nước đường phèn với lá dứa để có phần nước chè thơm ngọt thanh.
- Hòa tan 3 thìa bột năng với 200ml nước, đổ từ từ 2/3 hỗn hợp vào nồi nước đường. Vừa đổ vừa khuấy nhẹ để bột không bị vón cục rồi cho đậu ngự đã chín mềm vào. Bạn tiếp tục khuấy đều 5 phút rồi tắt bếp.
- Trên một nồi nhỏ khác, bạn cho 150ml nước cốt dừa, 50g đường cát và vài hạt muối vào đun sôi. Thêm hỗn hợp bột năng còn lại vào nồi khuấy đều cho hòa quyện rồi tắt bếp.
Thành phẩm là món chè đậu ngự sánh đặc mềm ngon, quyện với nước cốt dừa thơm béo ngậy ai ăn cũng mê.
3. Cách nấu chè đậu ngự hạt sen cung đình Huế
Nguyên liệu:
- Đậu ngự tươi: 200g
- Hạt sen tươi Huế: 100g (đã tách tim sen)
- Đường phèn: 150g
- Nước cốt dừa: 150ml
- Van: 1 ống
- Lá dứa: 1 bó nhỏ.
Chế biến:
- Đậu ngự ngâm và bóc vỏ, sau đó đem hấp hoặc luộc chín mềm. Hạt sen bạn cũng rửa sạch và đem hấp hoặc luộc chín mềm trong khoảng 20 phút.
- Nấu nước đường phèn với bó lá dứa đã rửa sạch, khi đường tan bạn vớt lá dứa ra tiến hành cho hạt sen và đậu ngự vào. Vặn nhỏ lửa đun trong 5 - 7 phút để các loại hạt ngấm đường.
- Nấu nước cốt dừa với 1 ống vani cho dậy mùi thơm.
Múc chè đậu ngự hạt sen ra tô, rưới lên trên là phần cốt dừa béo ngậy thơm nức mùi vani và thưởng thức. Bạn có thể thêm đá bào để tăng vị mát lạnh cho món chè cung đình Huế.
4. Cách nấu chè đậu ngự nha đam
Nguyên liệu:
- Đậu ngự tươi: 200g
- Nha đam: 200g
- Đường phèn: 150g
- Đường cát: 50g
- Lá dứa: 1 bó nhỏ
- Muối hạt, chanh tươi.
Chế biến:
- Đậu ngự sau khi ngâm và bóc vỏ, bạn luộc/hấp chín mềm trong khoảng 20 phút.
- Nha đam tươi dùng dao gọt bỏ phần vỏ xanh, rửa sạch dưới vòi nước rồi cắt thành hạt lựu. Để nha đam giòn ngon, không bị nhớt bạn hãy ngâm nha đam trong nước muối loãng có thêm nước cốt 1/2 quả chanh tươi trong 1 tiếng. Sau đó vớt ra để ráo, trộn với 50g đường cát ướp trong 2 tiếng để nha đam đậm vị ngọt. Trước khi dùng cho món chè, bạn chỉ cần vớt ra để ráo là được.
- Nấu đậu ngự với nước đường và lá dứa cho ngấm vị. Cuối cùng chỉ cần để chè nguội bớt, múc ra bát, thêm nha đam và đá bào là có thể thưởng thức.
Cách nấu chè đậu ngự nha đam vô cùng đơn giản mà thành phẩm là món chè cực kỳ thanh mát, dễ ăn, có tác dụng giải nhiệt tốt trong những ngày nắng nóng.
5. Cách nấu chè đậu ngự nếp dẻo ngon
Nguyên liệu:
- Đậu ngự tươi: 200g
- Gạo nếp: 50g
- Đường phèn: 150g
- Gừng tươi: 1 nhánh.
Chế biến:
- Đậu ngự ngâm mềm, lột vỏ và hấp hoặc luộc trong 20 phút cho chín mềm nhừ.
- Trong lúc đó bạn tiến hành nấu nếp. Vo gạo nếp sạch rồi cho vào nồi, đổ nhiều nước như khi nấu cháo và đun sôi. Sau đó bạn hạ nhỏ lửa nấu cho đến khi nếp chín mềm như nấu cháo nếp.
- Nấu nước đường phèn cho tan hết đường rồi cho đậu ngự vào nấu thêm 5 phút cho đậu ngấm đường. Đổ hỗn hợp đậu ngự nước đường vào nồi nếp đã chín mềm, thêm vài lát gừng tươi và nấu thêm 5 - 7 phút là xong.
Vậy là bạn đã có món chè đậu ngự nếp dẻo ngon, ấm nóng, thơm nhẹ mùi gừng, rất thích hợp nhâm nhi trong tiết trời thu đông se lạnh.
6. Cách nấu chè đậu ngự long nhãn táo đỏ bổ dưỡng
Nguyên liệu:
- Đậu ngự tươi: 200g
- Long nhãn: 50g
- Táo đỏ: 50g
- Đường phèn: 150g
- Lá dứa: 1 bó nhỏ.
Chế biến:
- Đậu ngự mua về bạn chế biến tương tự như các cách hướng dẫn trên.
- Với táo đỏ bạn bỏ hạt, sau đó đem ngâm táo và long nhãn vài phút cho mềm. Rửa sạch lại, cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn hoặc để nguyên.
- Nấu nước đường với lá dứa, khi nước sôi đường tan bạn vớt lá dứa ra và cho đậu ngự chín vào nấu cùng. Đun được vài phút bạn mới cho táo đỏ, kỷ tử vào, nấu thêm khoảng 5 phút cho tất cả ngấm vị đường ngọt thanh thì tắt bếp.
Chè đậu ngự nấu long nhãn táo đỏ được xem là món tráng miệng tiến vua đậm chất cung đình với các nguyên liệu vô cùng bổ dưỡng, giúp tăng cường trí nhớ.
7. Cách nấu chè đậu ngự thập cẩm
Nguyên liệu:
- Đậu ngự: 100g
- Đậu đỏ: 100g
- Đậu đen: 50g
- Đậu xanh tách vỏ: 50g
- Lá dứa: 1 bó
- Đường phèn: 200g
- Đường cát: 50g
- Nước cốt dừa: 150ml
- Tinh dầu hoa bưởi.
Chế biến:
- Đậu ngự bạn ngâm 1 - 2 tiếng, bóc vỏ rồi đem hấp chín mềm.
- Đậu đỏ, đậu đen ngâm khoảng 6 - 8 tiếng, đậu xanh có thể ngâm trong thời gian ngắn hơn. Khi các loại đậu đã nở đều thì bạn đem hấp chín mềm riêng từng loại. Bí quyết để đậu có vị ngọt thanh đó là hãy thêm vài thìa đường cát vào nồi đậu khi đem hấp.
- Nước cốt dừa nấu với 50g đường cát rồi thêm bột năng đã pha nước vào khuấy đều để tạo thành hỗn hợp đặc sánh.
- Bạn nấu nước đường phèn cùng với lá dứa để có phần nước chè trong veo, ngọt thanh. Khi nước đường sôi, vớt lá dứa ra và cho lần lượt các loại đậu đã hấp chín vào đun ở lửa nhỏ vài phút. Cuối cùng, bạn thêm tinh dầu hoa bưởi vào rồi tắt bếp.
Nồi chè đậu ngự thập cẩm lúc này đã thơm nức, bạn chỉ cần múc chè ra tô, rưới lên trên chút nước cốt dừa và thưởng thức nóng/lạnh tùy thích. Chè thập cẩm các loại đậu có vị bùi bùi beo béo, ăn kèm với chút dừa nạo cũng rất ngon. Đây là món ăn rất hợp thưởng thức vào bữa xế để chống đói hiệu quả mà không lo đầy bụng.
Qua bài viết trên bạn đã biết 7 cách nấu chè đậu ngự bổ dưỡng, thanh mát. Mỗi món chè có hương vị thơm ngon đặc trưng và cũng mang lại những giá trị khác nhau cho sức khỏe của cả gia đình.
Để tiết kiệm thời gian đứng bếp khi thực hiện các món hầm, nấu chè, cháo,… chị em nội trợ hãy sắm ngay cho căn bếp của mình sản phẩm nồi áp suất đa năng tiện lợi nhé. FPT Shop cung cấp nồi áp suất điện từ nhiều thương hiệu uy tín trên thị trường với mức giá tốt, mời bạn tham khảo tại đây.
Nồi áp suất chính hãng giá tốt
Xem thêm:
Hướng dẫn cách nấu chè bắp tuổi thơ dẻo thơm, sánh đặc với 4 công thức đơn giản nhất
Chia sẻ cách nấu chè kê đậm vị Huế dẻo thơm, bổ dưỡng cực đơn giản chiêu đãi cả nhà