Xem thêm

Bệnh tiểu đường ăn chuối được không? Những điều cần lưu ý khi ăn chuối

Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh: Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS.Phạm Văn Hoan. Chuối, một loại trái cây thường bị người...

Bài viết được viết bởi Bác sĩ CKII Bùi Hồng Thanh: Chuyên gia tư vấn sức khỏe Nutricare và tham vấn chuyên môn bởi PGS.TS.Phạm Văn Hoan.

Chuối, một loại trái cây thường bị người mắc bệnh tiểu đường kiêng khem trong chế độ ăn uống. Tuy nhiên, liệu bệnh tiểu đường có thể ăn chuối được không? Người bệnh cần ăn chuối như thế nào để không ảnh hưởng đến sức khỏe? Cùng theo dõi những chia sẻ đến từ các chuyên gia dinh dưỡng của Nutricare trong bài viết sau đây!

Bệnh tiểu đường ăn chuối được không?

Theo Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ, người bệnh tiểu đường có thể ăn chuối, nhưng nên chọn chuối xanh thay vì chuối chín để cải thiện khả năng điều hoà lượng đường trong cơ thể.

  • Mặc dù chuối là loại quả giàu carbohydrate, nhưng nó cũng chứa nhiều chất xơ giúp kiểm soát đường huyết ổn định.
  • Chuối được xếp vào nhóm có chỉ số đường huyết GI ở mức thấp và trung bình, tùy vào mức độ chín của chuối (GI dưới 55 được coi là thấp). Những thực phẩm có chỉ số đường huyết thấp sẽ làm tăng đường huyết từ từ, đều đặn và giảm cảm giác đói. Do đó, đường huyết sẽ không bị tăng quá mức, luôn giữ ổn định.
  • Ngoài ra, chuối cung cấp nhiều vitamin, khoáng chất và các hợp chất thực vật như Vitamin C, Vitamin B6, Kali, Dopamine, Catechin có tác dụng chống oxy hóa, tốt cho hệ tim mạch, hệ miễn dịch và hệ tiêu hóa.

Chuối phù hợp với người bệnh tiểu đường Người bệnh tiểu đường có thể ăn chuối được nếu biết cách ăn điều độ, hợp lý

Ảnh hưởng của chuối với người bệnh tiểu đường

Ở phần tiếp theo, chúng ta sẽ tìm hiểu về thành phần dinh dưỡng và ảnh hưởng của chuối đối với người bệnh tiểu đường.

2.1. Chuối giúp giảm lượng đường trong máu

Ngoài tinh bột và đường, chuối còn chứa nhiều chất xơ, khoảng 2,6g chất xơ đối với một quả chuối cỡ trung bình. Chất xơ có tác dụng đặc biệt quan trọng với người bệnh bởi nó làm chậm việc hấp thu và tiêu hóa carbohydrate. Điều này có nghĩa là ăn chuối sẽ giúp giảm đường huyết tăng và kiểm soát đường huyết ổn định, tránh tăng đột ngột sau khi ăn.

2.2. Chuối có tinh bột kháng giúp kiểm soát đường huyết

Tinh bột kháng là chuỗi glucose dài, có khả năng kháng tiêu hóa. Chuối xanh hay chuối chưa chín chứa ít carbohydrate và lượng tinh bột kháng nhiều hơn. Chuối xanh hay chuối chưa chín chứa lượng tinh bột kháng nhiều hơn chuối chín gấp 12 lần. Khi tinh bột kháng vào cơ thể, nó sẽ hoạt động tương tự như chất xơ giúp đường huyết ổn định. Ngoài ra, tinh bột kháng giúp thúc đẩy vi khuẩn hệ tiêu hóa hoạt động tốt hơn, cải thiện quá trình trao đổi chất và kiểm soát đường huyết tốt.

Đối với người mắc bệnh tiểu đường type 2, tinh bột kháng có tác dụng giảm viêm và tăng cường độ nhạy của insulin, do đó bệnh nhân tiểu đường nên bổ sung tinh bột kháng vào chế độ dinh dưỡng hàng ngày.

Một nghiên cứu trong khoảng thời gian 8 tuần cho thấy, những người bổ sung tinh bột kháng có khả năng kiểm soát lượng đường trong máu tốt hơn những người không bổ sung.

2.3. Chuối giúp ngăn ngừa biến chứng bệnh tiểu đường

Vitamin B6 có chứa trong chuối (0,367 mg) đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn ngừa các biến chứng liên quan đến bệnh tiểu đường như bệnh thần kinh, tiểu đường thai kỳ và suy giảm dung nạp glucose. Một nghiên cứu ở Mexico cũng cho biết, việc thiếu vitamin B6 làm thúc đẩy bệnh đái tháo đường tiến triển nhanh hơn.

2.4. Chuối có chứa nhiều kali

Trong 1 quả chuối cỡ trung bình có chứa tới 358 mg kali. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người ăn ít thực phẩm chứa kali dễ mắc bệnh tiểu đường loại 2 hơn những người có mức kali bình thường. Bên cạnh đó, một chế độ ăn giàu kali có thể làm giảm huyết áp ở những người có huyết áp cao và có lợi cho sức khỏe tim mạch.

2.5. Chuối có chứa các chất chống oxy hóa

Chất chống oxy hóa trong chuối chủ yếu là dopamine và catechin. Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng chất chống oxy hóa có tác dụng cản trở sự hình thành của các gốc tự do, nhờ đó ngăn chặn sự phát triển của bệnh tiểu đường tuýp 2.

Từ những phân tích trên, có thể khẳng định bệnh tiểu đường không cần kiêng mà người bệnh chỉ cần biết cách sử dụng và liều lượng phù hợp. Thực đơn hợp lý bao gồm chuối sẽ cân bằng dưỡng chất và hỗ trợ quá trình điều trị đạt hiệu quả tốt nhất.

Cách ăn chuối đúng với người bệnh tiểu đường

Chuối chứa nhiều chất dinh dưỡng có lợi cho sức khỏe người bệnh tiểu đường, nhưng không phải ai cũng biết cách ăn để tận dụng tối đa tác dụng của chuối. Vậy người mắc bệnh tiểu đường nên lưu ý về cách ăn chuối như thế nào cho đúng?

  • Liều lượng: Người bệnh tiểu đường nên bổ sung 1 - 2 quả chuối vào thực đơn hàng ngày, không nên ăn quá nhiều để tránh gây tăng đường huyết quá mức.
  • Thời điểm thích hợp: Nên ăn chuối cách xa bữa ăn sáng và bữa trưa khoảng 2 tiếng. Ăn chuối ngay sau bữa ăn sẽ làm tăng hàm lượng carbohydrate tổng thể sau bữa ăn, gây tăng đường huyết. Ngoài ra, nên chia nhỏ lượng chuối ăn trong ngày, không nên ăn nhiều chuối cùng lúc.
  • Cách sử dụng chuối với người tiểu đường:
    • Chọn chuối chín vừa hoặc chuối xanh rất tốt cho người bệnh đái tháo đường vì không những không làm tăng đường huyết mà còn có thể cải thiện được khả năng điều hòa lượng đường trong cơ thể người bệnh. Không nên ăn chuối chín.
    • Chọn chuối có kích thước nhỏ vì loại quả này ảnh hưởng đến lượng carbohydrate trong chuối. Với quả có kích thước càng nhỏ, lượng carbohydrate càng ít.
    • Chú ý đến lượng carbohydrate: Chuối kết hợp với thức ăn nhiều carbohydrate khác sẽ làm tăng hàm lượng carbohydrate tổng thể lên cao hơn. Nếu ăn cùng bữa, bệnh nhân cần đảm bảo được lượng carbohydrate, đường, tinh bột cung cấp cho cơ thể ở mức thấp.
    • Ăn kết hợp với các thực phẩm khác: Không nên ăn cùng các loại hoa quả ngọt hay bánh ngọt, bởi những thực phẩm này chứa nhiều đường, kết hợp cùng chuối sẽ làm đường huyết tăng cao quá mức sau khi ăn. Nên ăn chuối cùng với sữa chua, các loại quả và hạt như hạnh nhân, óc chó, đậu phộng, hạt hướng dương, bơ... Giúp quá trình tiêu hóa và hấp thu carbohydrate chậm hơn, giảm cảm giác thèm ăn và tác động tốt đến đường huyết.
    • Không nên dùng sinh tố chuối hoặc chuối sấy khô vì chúng có chứa hàm lượng đường cao, ảnh hưởng đến sức khỏe người bệnh.

Chuối kết hợp với sữa chua giúp người bệnh kiểm soát lượng đường tốt hơn Người bệnh tiểu đường nên kết hợp chuối cùng sữa chua hay các hạt sẽ kiểm soát đường huyết tốt hơn

Như vậy, chuối là một loại trái cây có thể ăn cho người mắc bệnh tiểu đường nhưng cần có chế độ ăn hợp lý. Hãy thảo luận với bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng để tìm hiểu thêm về cách sử dụng chuối trong chế độ ăn của bạn.

4 loại quả nên hạn chế đối với người bệnh tiểu đường

Ngoài chuối, có một số loại quả khác người mắc bệnh tiểu đường cần hạn chế ăn. Hãy tìm hiểu về chúng dưới đây:

  • Sầu riêng: Lượng carbohydrate trong sầu riêng khá cao, nếu ăn quá nhiều sầu riêng sẽ làm đường huyết tăng đột ngột.
  • Nhãn và vải thiều: Là những loại trái cây có ít chất xơ và có hàm lượng đường cao. Ưu đãi ăn nhiều vải và nhãn cùng một lúc có thể khiến lượng đường hấp thu vào máu vượt quá khả năng hấp thu chuyển hóa của gan và làm tăng đường huyết nhanh chóng.
  • Nho khô: Trong 100g nho khô có chứa đến gần 300kcal và 47g đường, khá cao nên hạn chế ăn loại quả này để tránh tăng đường huyết.
  • Dứa chín: Cũng là loại quả có chứa hàm lượng carbohydrate khá cao, nên có thể tăng đường huyết sau khi ăn.

Như vậy, câu hỏi "Bệnh tiểu đường có ăn chuối được không?" đã được giải đáp. Người bệnh tiểu đường có thể ăn chuối với điều kiện cần biết cách ăn điều độ và hợp lý. Chuối là một loại trái cây dinh dưỡng, giúp cung cấp nhiều dưỡng chất cho cơ thể. Hãy tham khảo ý kiến của chuyên gia dinh dưỡng hoặc bác sĩ để biết thêm thông tin chi tiết và lên một thực đơn hợp lý cho bản thân.

1