Có lần, tôi nhìn thấy một con cự đà len lỏi qua khu vườn dương xỉ. Nó ngẩng đầu lên và bất chợt cắn vào một bông hoa giấy màu tím, cứ như vậy, hết bông này, nó lại cắn vào một bông hoa khác. Ban đầu, tràn ngập tâm trí tôi chỉ là cảm xúc “thương hoa tiếc ngọc”, nhưng rồi, tôi dịu đi và dần dần hiểu ra: có lẽ đây chính là sự thôi thúc. Nó cũng tương tự như sự thôi thúc mà tôi đã nhìn thấy nơi con gái của bạn tôi, trong những tấm ảnh chụp con bé, túi áo nó nhét đầy những đóa hoa mà nó thu nhặt được khi đi dạo. Cô bé năm tuổi ấy cũng đã chẳng thể cưỡng lại sự thôi thúc từ những đóa hoa đầy hương sắc. Hay như Robin Wall Kimmerer viết trong cuốn Thắt Nhành Cỏ Ngọt: “Tình yêu dành cho những cô gái của tôi nằm ở đâu? Ở những ngày đi hái hoa tử linh đan tháng năm và những buổi đi bơi vào tháng bảy.”
Chúng ta sống với những đóa hoa, và thậm chí, đôi khi ta sống vì chúng. Hoa đã điểm tô hương sắc cho cuộc sống nhân loại trên suốt chặng đường dài lịch sử. Thời Trung cổ, người ta dùng hoa để trang trí, sử dụng trong các món ăn và những cánh hoa cũng được cho là đã được dùng để làm nước tắm cho nữ hoàng Cleopatra. Không những vậy, hoa còn là chất xúc tác chuyên dụng cho sự sáng tạo nghệ thuật và từng mở ra cánh cửa cho phụ nữ có cơ hội dấn thân vào khoa học. Thậm chí, đôi khi, chúng đã làm được cả hai điều đó cùng lúc. Minh chứng cho việc này chính là tập mẫu cây của Emily Dickinson - một danh mục được sắp xếp tỉ mỉ gồm khoảng bốn trăm loài hoa mà cô đã thu thập và nghiên cứu. Cho dù những loài hoa ấy được phân loại và tổ chức chặt chẽ, hay được trồng trọt, đánh giá và mua bán rộng rãi như thế nào đi nữa, hay cho dù chúng đã truyền cảm hứng cho bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật và văn học, cảm giác thôi thúc vẫn luôn dẫn lối cho tất cả các tương tác của chúng ta với hoa.
Một đóa hoa đánh dấu thời gian một cách sắc nét và chính xác. Bạn có thể chưa cảm nhận được hơi thở của mùa xuân, nhưng những bông hoa chẳng bao giờ quên nở vào ngày đầu xuân ấy. Và rồi, khi bạn còn đang thẩn thơ ngước nhìn thế giới, thì cảnh sắc đã ngập tràn sắc hoa, nở rộ, rực rỡ và đầy sức sống. Có một cảm giác đặc biệt mà bạn chỉ có thể cảm nhận được khi đối diện với chúng. Đó chính là cho dù đang ở trong một khu vườn rộng lớn, thì khi bạn ngắm nhìn một bông hoa nào đó, bạn sẽ thấy bông hoa ấy như thể chỉ dành cho riêng bạn. Tình yêu và khao khát khám phá sẽ ngập tràn trong khoảnh khắc bạn ngắm nhìn nó: cả một vũ trụ nhỏ bé đang hiện diện trước mắt bạn, tưởng như sắc hương đến thì chỉ còn chờ bạn đưa tay ra hái, lại như một món quà cần được nâng niu trân quý. Khát khao được độc chiếm đóa hoa ấy, nhét nó vào túi áo của mình có lẽ tự nhiên hơn là việc sắp xếp, bày trí nó một cách công phu và trang trọng. Cũng như sự thôi thúc muốn cắn vào những cánh hoa dồi dào nhựa sống mãnh liệt hơn nhiều so với việc nhìn chúng dần dần úa tàn qua ngày tháng.
1. Angelonia (Hoa ngọc hân, hương dạ thảo, lưu ly)
- Tên khoa học: Angelonia angustifolia
- Nguồn gốc: Mexico, Nam Mỹ
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa hè
Angelonia không chỉ có một loài hoa mà gần như là tên gọi chung của cả họ hoa Hương Dạ Thảo. Tương tự giống như hoa mõm sói (Snapdragon - cũng là một loại hoa ăn được), nhưng thay vì có nhiều cánh, thì Angelonia chỉ có một cánh hoa hợp nhất. Những đóa hoa mang sắc trắng hoặc sắc loang giữa xanh và tím có nguồn gốc từ Mexico và Nam Mỹ. Cho đến gần đây, trong năm mươi năm qua, nó đã được lai ghép rộng rãi vào các khu vườn trên toàn thế giới. Angelonia có thể được dùng để tô điểm cho các món ăn hoặc được sử dụng để trang trí bánh.
2. Apple Blossom (Hoa táo)
- Tên khoa học: Malus domestica
- Nguồn gốc: châu Âu
- Loài: cây có hoa
- Thời điểm ra hoa: mùa xuân
Sẽ là một thiếu sót rất lớn nếu bỏ qua hoa táo trong danh sách những loài hoa có hương thơm ngọt ngào nhất. Là loài hoa đầu tiên báo hiệu mùa xuân, nhắc đến hoa táo, người ta chỉ nhớ đến ngay mùi hương nồng nàn ngọt ngào từ những cánh hoa bé xinh xinh, hay hương thơm khó cưỡng của khu vườn táo lúc lỉu quả chín đỏ. Những bông hoa với sắc trắng, hồng tinh tế là dấu hiệu được ngóng trông của thời khắc giao mùa.
Năm 1897, hoa táo được chọn là loài hoa biểu trưng của bang Michigan, dù ngày nay, tiểu bang này chỉ đứng thứ ba trong cả nước về sản xuất táo, sau Washington và New York. Vì mang lại cho thực khách hương vị ngọt ngào thanh khiết, hoa táo được sử dụng trong rất nhiều món tráng miệng, món salad trái cây, hoặc được dùng để điểm xuyết tinh tế lên bánh ngọt và bánh tart.
3. Basil (Húng Tây hay Húng Quế)
- Tên khoa học: Ocimum basilicum
- Nguồn gốc: Châu Á
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa hè
Cuối hạ là thời điểm mà cả thế giới tưởng như sực nức mùi húng tây. Là loại rau thơm thông dụng nhất của nhiều nền ẩm thực, thông thường cây húng quế có kích thước khá khiêm tốn với những chiếc lá bầu dục bé xinh xinh. Nhưng đến thời điểm ngắn ngủi này thì thân cây có thể cao đến 60cm, và cũng là lúc những bông hoa nhỏ màu trắng hay tím xuất hiện từ những kẽ ngách lá.
Mùa hè cũng là lúc húng quế rẻ nhất và hay được bày bán tràn ngập ở các khu chợ hay vườn cây. Vì thế chúng ta thường có làn sóng làm pesto - một loại sốt màu xanh lá với hương thơm đặc biệt và vị ngọt xen lẫn the, được làm phổ biến khi dư thừa húng tây. Ngoài ra, cũng còn một món ăn khác thường được làm vào thời điểm này. Đó chính là salad Caprese - sự kết hợp giữa những lá húng tây với phô mai mozzarella và một mỹ vị mùa hè khác - cà chua.
4. Daylily (Hoa hiên)
- Tên khoa học: Hemerocallis fulva
- Nguồn gốc: Châu Á
- Loài: Forb (thân thảo)
- Thời điểm ra hoa: mùa hè
Hoa hiên là một loài hoa chóng nở chóng tàn. Nó chỉ ngắm nhìn thế giới trong một ngày duy nhất: nở ra vào buổi chiều và nở rộ suốt đêm, sau đó, nó biến mất. May mắn thay, hạt hoa hiên dễ dàng lan đi như những loài hoa dại trên các cánh đồng và