Sức khỏe

Tiêu Hóa Là Gì? Các Hình Thức Tiêu Hóa Ở Động Vật Và Bài Tập Trắc Nghiệm

Mai Kiều Liên

Khái niệm Tiêu hóa là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành dạng các chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được. Động vật là sinh...

Khái niệm

Tiêu hóa là quá trình biến đổi các chất dinh dưỡng có trong thức ăn thành dạng các chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được. Động vật là sinh vật dị dưỡng nên bắt buộc phải lấy các chất dinh dưỡng từ môi trường ngoài (trong thức ăn) để tồn tại và phát triển. Các chất dinh dưỡng hữu cơ có trong thức ăn như protein, lipit và cacbohydrat có cấu trúc phức tạp cần phải được biến đổi thành dạng các chất dinh dưỡng đơn giản hơn mà cơ thể có thể hấp thụ được thông qua hệ tiêu hóa. Các chất dinh dưỡng được hấp thụ sẽ đi vào các quá trình chuyển hóa bên trong tế bào (chuyển hóa nội bào), trong khi các sản phẩm phụ không cần thiết đối với tế bào sẽ được thải ra ngoài thông qua hệ hô hấp và bài tiết.

Các hình thức tiêu hóa

Tiêu hóa ở động vật được chia làm:

  • Tiêu hóa nội bào: tiêu hóa xảy ra bên trong tế bào nhờ không bào tiêu hóa.
  • Tiêu hóa ngoại bào: tiêu hóa xảy ra bên ngoài tế bào bằng túi tiêu hóa hoặc ống tiêu hóa.

Tiêu hoá ở động vật chưa có cơ quan tiêu hoá

Động vật chưa có cơ quan tiêu hoá là động vật đơn bào như trùng roi, trùng đế giày, trùng amip. Hoạt động tiêu hóa thức ăn ở động vật đơn bào diễn ra ngay bên trong tế bào gọi là tiêu hóa nội bào. Quá trình tiêu hóa nội bào trải qua các giai đoạn:

  1. Thực bào: Màng tế bào lõm vào bên trong bao bọc lấy thức ăn hình thành không bào tiêu hóa.
  2. Tiêu hóa: Lizoxom hợp nhất với không bào tiêu hóa, đưa các enzyme tiêu hóa vào thủy phân các chất phức tạp thành các chất dinh dưỡng đơn giản.
  3. Hấp thụ: Chất dinh dưỡng đơn giản được hấp thụ vào tế bào chất, phần không tiêu hóa được của thức ăn được đưa ra khỏi tế bào theo hình thức xuất bào.

Tiêu hoá ở động vật có túi tiêu hoá

Đối tượng: Các loài ruột khoang và giun dẹp (thủy tức, sán,...).

Túi tiêu hoá có dạng túi và được hình thành từ nhiều tế bào. Cấu tạo của túi có một lỗ thông duy nhất với bên ngoài vừa làm chức năng của miệng vừa làm chức năng của hậu môn. Thức ăn trong túi tiêu hoá vừa được tiêu hóa nội bào và vừa được tiêu hóa ngoại bào. Thành túi tiêu hoá gồm nhiều tế bào tuyến. Các tế bào này tiết ra các enzyme tham gia tiêu hóa hóa học thức ăn trong lòng túi.

Diễn biến sự tiêu hoá thức ăn trong túi tiêu hoá:

  1. Xúc tua lấy thức ăn từ ngoài môi trường đưa vào túi tiêu hoá.
  2. Tiêu hóa ngoại bào xảy ra trong lòng túi nhờ các enzyme được tiết bởi các tế bào tuyến.
  3. Thức ăn tiếp tục được đưa vào trong các tế bào trên thành túi tiêu hoá và xảy ra tiêu hóa nội bào.
  4. Các chất không tiêu hóa sẽ được thải ra ngoài qua lỗ thông.

Tiêu hoá ở động vật có ống tiêu hoá

Ở động vật đa bào, bắt đầu từ giun đốt, thức ăn đã được tiêu hóa hoàn toàn bằng hình thức tiêu hóa ngoại bào nhờ hoạt động cơ học của ống tiêu hoá và các enzyme trong dịch tiêu hoá. Ống tiêu hoá cấu tạo từ nhiều cơ quan khác nhau với các chức năng khác nhau: miệng, hầu, thực quản, dạ dày, ruột và cuối cùng là hậu môn. Quá trình tiêu hóa thức ăn ở ống tiêu hoá bao gồm tiêu hóa cơ học và tiêu hóa hóa học.

  • Tiêu hóa cơ học: thức ăn được tiêu hóa ngoại bào nhờ hoạt động cơ học (nghiền, co bóp) của ống tiêu hoá.
  • Tiêu hóa hóa học: nhờ tác dụng của enzyme trong dịch tiêu hoá, các chất phức tạp trong thức ăn được biến đổi thành chất dinh dưỡng đơn giản được hấp thụ vào máu.

Các chất không được tiêu hóa trong ống tiêu hoá được tạo thành phân và thải ra ngoài.

Ống tiêu hoá đơn giản

Ở các loài động vật không xương sống như giun đốt, côn trùng,....

Ống tiêu hoá bắt đầu chuyên hóa

Ở các loài động vật có xương sống, động vật bậc cao (chim, thú, người,...)

Đặc điểm tiêu hóa ở thú ăn thịt và thú ăn thực vật

STT Tên bộ phận Thú ăn thịt Thú ăn thực vật
1 Răng Răng cửa gặm Răng cắm
Răng nanh Răng cắt
Răng trước hàm Răng nghiền
Răng ăn thịt lớn
Răng hàm nhở
Răng nghiền
2 Dạ dày Dạ dày đơn Dạ dày đơn
Dạ dày gồm 4 túi
3 Ruột non Ruột non ngắn Ruột non dài
4 Manh tràng Không phát triển Phát triển rất nhiều

Một số bài tập trắc nghiệm về tiêu hóa ở động vật

Câu 1: Tiêu hóa là quá trình:

  • A. Biến đổi thức ăn thành dạng các hợp chất hữu cơ.
  • B. Tạo thành các hợp chất dinh dưỡng và năng lượng.
  • C. Tạo ra năng lượng và biến đổi thức ăn thành các chất dinh dưỡng.
  • D. Biến đổi các chất dinh dưỡng phức tạo có trong thức ăn thành các chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được.

Câu 2: Tiêu hóa nội bào là:

  • A. Sự tiêu hóa diễn ra bên trong tế bào, thức ăn được tiêu hóa trong không bào tiêu hóa.
  • B. Sự tiêu hóa diễn ra bên ngoài tế bào.
  • C. Sự tiêu hóa diễn ra cả bên trong và bên ngoài tế bào.
  • D. Sự tiêu hóa thức ăn bên trong túi tiêu hóa.

Câu 3: Quá trình tiêu hoá ở loài động vật có ống tiêu hoá được mô tả như thế nào?

  • A. Thức ăn đi vào ống tiêu hoá được biến đổi cơ học trở thành chất đơn giản và được hấp thụ vào máu.
  • B. Thức ăn đi vào ống tiêu hoá được biến đổi cơ học và hoá học trở thành chất đơn giản và được hấp thụ vào máu.
  • C. Thức ăn đi vào ống tiêu hoá được biến đổi hoá học trở thành chất đơn giản và được hấp thụ vào máu.
  • D. Thức ăn đi vào ống tiêu hoá được biến đổi cơ học trở thành chất đơn giản và được hấp thụ vào mọi tế bào.

Câu 4: Sự tiến hoá của các hình thức tiêu hoá diễn ra theo thứ tự nào?

  • A. Tiêu hoá nội bào → Tiêu hoá nội bào kết hợp với tiêu hóa ngoại bào → tiêu hoá ngoại bào.
  • B. Tiêu hoá ngoại bào → Tiêu hoá nội bào kết hợp với tiêu hóa ngoại bào → tiêu hoá nội bào.
  • C. Tiêu hoá nội bào → tiêu hoá ngoại bào → Tiêu hoá nội bào kết hợp với tiêu hóa ngoại bào.
  • D. Tiêu hoá nội bào kết hợp với tiêu hóa ngoại bào → Tiêu hoá nội bào → tiêu hoá ngoại bào.

Câu 5: Thứ tự các cơ quan trong ống tiêu hoá của người là:

  • A. Miệng → ruột non → dạ dày → hầu → ruột già → hậu môn.
  • B. Miệng → thực quản → dạ dày → ruột non → ruột già → hậu môn.
  • C. Miệng → ruột non → thực quản→ dạ dày → ruột già → hậu môn.
  • D. Miệng → dạ dày → ruột non → thực quản → ruột già → hậu môn.

Câu 6: Quá trình tiêu hoá ở loài động vật có túi tiêu hoá chủ yếu được mô tả như thế nào?

  • A. Thức ăn được tiêu hoá nội bào nhờ enzyme thủy phân chất dinh dưỡng phức tạp thành những chất đơn giản mà cơ thể có khả năng hấp thụ được.
  • B. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào nhờ sự co bóp của khoang túi biến đổi chất dinh dưỡng phức tạp thành những chất đơn giản.
  • C. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào (nhờ enzyme thuỷ phân được tiết ra bởi các tế bào tuyến trong khoang túi) và tiêu hóa nội bào.
  • D. Thức ăn được tiêu hoá ngoại bào nhờ các enzyme thuỷ phân chất dinh dưỡng phức tạp bên khoang túi.

Câu 7: Quá trình tiêu hoá ở loài động vật chưa có cơ quan tiêu hoá chủ yếu được mô tả như thế nào?

  • A. Các enzyme trong lizoxôm đi vào không bào được tiêu hoá, thuỷ phân các chất hữu cơ có trong thức ăn thành các chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được.
  • B. Các enzyme trong riboxom đi vào không bào tiêu hoá, thuỷ phân các chất hữu cơ có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được.
  • C. Các enzyme trong peroxisom đi vào không bào tiêu hoá, thuỷ phân các chất hữu cơ có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được.
  • D. Các enzyme từ bộ máy gôngi đi vào không bào tiêu hoá, thuỷ phân các chất hữu cơ có trong thức ăn thành những chất đơn giản mà cơ thể có thể hấp thụ được.

Câu 8: Khi nói về quá trình tiêu hóa thức ăn ở động vật có túi tiêu hoá, phát biểu nào dưới đây là đúng?

  • A. Thức ăn trong túi tiêu hoá chỉ được tiêu hóa về mặt cơ học.
  • B. Trong túi tiêu hoá, thức ăn chỉ được tiêu hóa về mặt hóa học.
  • C. Thức ăn được tiêu hóa ngoại bào nhờ enzyme trong lizoxôm.
  • D. Thức ăn trong túi tiêu hoá vừa được tiêu hoá ngoại bào và vừa được tiêu hoá nội bào.

Câu 9: Ống tiêu hoá ở một số động vật giun đất, châu chấu và chim có cơ quan khác với ống tiêu hoá ở người là:

  • A. Diều, thực quản ở giun đất và côn trùng.
  • B. Diều, dạ dày cơ (mề) ở chim.
  • C. Diều, thực quản của giun đất và chim.
  • D. Diều ở giun đất và châu chấu; diều, dạ dày cơ (mề) ở chim.

Câu 10: Ý nào dưới đây không chính chính xác về ưu điểm của túi tiêu hoá so với ống tiêu hoá?

  • A. Dịch tiêu hoá không bị hoà loãng.
  • B. Dịch tiêu hoá được hoà loãng.
  • C. Ống tiêu hoá được phân hoá thành các bộ phận khác nhau tạo cho sự chuyển hoá về mặt chức năng.
  • D. Kết hợp giữa tiêu hoá hoá học và tiêu hóa cơ học.

Rất nhiều kiến thức về tiêu hóa ở động vật đã được trình bày. Hy vọng các bạn đã làm bài tập trắc nghiệm thật tốt. Hãy liên hệ với chúng tôi để nhận thêm bài giảng và chuẩn bị tốt nhất cho quá trình ôn thi Sinh THPT quốc gia.

1