Sức khỏe

Tại sao chúng ta không ăn thịt người?

Mai Kiều Liên

Bạn có từng tự hỏi tại sao chúng ta không ăn thịt người? Tuy hiện tượng ăn thịt đồng loại có thể ghê rợn, nhưng nó lại là một phần tự nhiên trong thế giới...

Bạn có từng tự hỏi tại sao chúng ta không ăn thịt người? Tuy hiện tượng ăn thịt đồng loại có thể ghê rợn, nhưng nó lại là một phần tự nhiên trong thế giới động vật. Tại sao một số loài lại có thói quen ăn thịt đồng loại trong khi con người không?

Ăn thịt đồng loại trong thế giới động vật

Trên thực tế, việc ăn thịt đồng loại khá phổ biến trong giới động vật. Ví dụ, có một số loài như nhện, bọ ngựa và bọ cạp, con cái thường ăn thịt bạn tình trước, trong hoặc sau khi giao hợp. Một số loài khác lại ăn những đồng loại nhỏ bé hơn mình như ấu trùng chuồn chuồn, dẫn đến tỷ lệ tử vong vì hiện tượng này lên đến 95%. Có cả loài mèo hoang, chúng ăn cả con đẻ của mình. Thậm chí, sư tử cũng có thể ăn thịt con của những sư tử khác trong quá trình xâm chiếm lãnh thổ để tiêu diệt nguồn gen của đối phương.

Dù hiện tượng này phổ biến trong giới động vật, nhưng ăn thịt đồng loại lại là góc khuất của xã hội loài người, đặc biệt về vấn đề khoa học. Trong quá khứ, hiện tượng ăn thịt người xuất hiện phổ biến trên khắp thế giới, từ Fiji đến Amazon Basin, từ Congo đến Māori New Zealand. Fiji, một quần đảo nổi tiếng nằm ở phía Nam Thái Bình Dương, còn được biết đến là những hòn đảo ăn thịt người.

Nguyên nhân của hiện tượng ăn thịt người

Có ba nguyên nhân chủ yếu cho hiện tượng ăn thịt người. Thứ nhất, ăn thịt người chết được xem như cách để đưa linh hồn của người đã khuất vào cơ thể con cháu đời sau, nhằm đảm bảo sự tiếp tục tồn tại của bộ tộc. Thứ hai, ăn thịt kẻ thù là cách để ăn mừng chiến thắng, để phô trương sức mạnh và đe dọa những bộ lạc khác. Thứ ba, trong những trường hợp thiếu thốn thức ăn, việc ăn thịt người chết có thể được xem như một biện pháp sinh tồn.

Hình 1: Xương người trong một hang động của bộ tộc ăn thịt người thuộc quần đảo Fiji. Nguồn: [Fiji]

Ăn thịt người từ góc nhìn khoa học

Trở lại với câu hỏi ở tựa bài, nếu bỏ qua các vấn đề đạo đức, tôn giáo hay các nguyên nhân khác như đã bàn luận ở trên, ta tập trung duy nhất vào vấn đề khoa học. Khi chỉ xem xét từ góc nhìn khoa học, việc ăn thịt người không mang lại lợi ích gì cho con người.

Theo một nghiên cứu mới nhất của James Cole năm 2017 trên tạp chí Scientific Reports, một nam giới trưởng thành chứa khoảng 125,822 calories, chủ yếu là mỡ và protein, đủ cung cấp cho 60 người trong một ngày. Tuy nhiên, con số này vẫn quá thấp so với năng lượng cung cấp từ những loài vật khác mà con người có thể săn bắt, như voi với 3,600,000 calories và bò với 979,200 calories.

Hình 2: Năng lượng trung bình của các bộ phận trên cơ thể người. Nguồn: Chỉnh sửa từ [10]

Vì vậy, việc ăn thịt người không mang lại lợi ích dinh dưỡng so với việc tiếp tục ăn các loài vật khác. Hiện nay, hành vi này đã được hạn chế tới mức tối đa bởi luật pháp và không còn phổ biến trong xã hội loài người.

Tác giả: Phạm Duy Toàn - Đại học Naresuan, Thái Lan

*Tài liệu tham khảo:

  1. G. A. Polis, The evolution and dynamics of intraspecific predation. Annual Review of Ecology and Systematics. 12, 225-251. 1981.
  2. Min-Li Tsai, Chang-Feng Dai, Cannibalism within mating pairs of the parasitic isopod Ichthyoxenus fushanensis. Journal of Crustacean Biology. 23 (3), 662-668. 2003.
  3. David Claessen et al., Population dynamic theory of size-dependent cannibalism. Proceedings of the Royal Society of London Series B-Biological Sciences. 271 (1537), 333-340. 2004.
  4. Sarah Hartwell, Cats that kill kittens. Available from: http://messybeast.com/kill_kit.htm. 2002.
  5. Hausfater, G. Infanticide: Comparative and evolutionary perspectives. Current Anthropology. 25 (4), 500-502. 1984.
  6. Peggy Reeves Sanday, Divine hunger: cannibalism as a cultural system. Available from: https://books.google.co.th/books?id=SYW6EzB9rYkC&pg=PA151&dq=&hl=en&redir_esc=y#v=onepage&q&f=false.
  7. Rubinstein, W. D, Genocide: a history. Pearson Education. 17-18. 2004.
  8. Woznicki, Andrew N, Endocannibalism of the Yanomami. The Summit Times. 6, 18-19. 1998.
  9. Dow, James W, Cannibalism. Encyclopedia of Latin American History and Culture - Volume 1. New York: Charles Scribner's Sons. 535-537.
  10. James Cole, Assessing the calorific significance of episodes of human cannibalism in the Palaeolithic. Scientific Reports. 7, 44707. 2017.*
1