Thực phẩm

Chia sẻ cách làm nước cốt dừa thơm ngon, sánh mịn tại nhà

Mai Kiều Liên

Một trong số các chế phẩm được sử dụng phổ biến nhất từ quả dừa phải kể đến là nước cốt dừa, một thành phần không thể thiếu trong nhiều món ăn cổ truyền Việt...

Một trong số các chế phẩm được sử dụng phổ biến nhất từ quả dừa phải kể đến là nước cốt dừa, một thành phần không thể thiếu trong nhiều món ăn cổ truyền Việt Nam. Với hương vị ngọt thơm, béo ngậy đặc trưng của mình, nước cốt dừa ngày càng chiếm được sự yêu thích của nhiều người. Vậy có ai tò mò về cách làm ra nước cốt dừa không nhỉ? Hãy theo chân Lam Sơn Food để tìm hiểu cách làm nước cốt dừa thơm ngon này chỉ với công thức cực kỳ đơn giản nhé.

Chuẩn bị nguyên liệu làm nước cốt dừa

Chuẩn bị nguyên liệu làm nước cốt dừa

Nước cốt dừa (hay còn gọi là sữa dừa) không chỉ đơn giản về cách làm mà về thành phần nguyên liệu cũng vô cùng dễ tìm.

  • 300g cơm dừa (dừa nạo)
  • 200ml nước ấm
  • Đường
  • Muối
  • Bột năng

Chia sẻ chi tiết cách làm nước cốt dừa ngon đơn giản tại nhà

Quả dừa và các chế phẩm từ dừa hầu như không còn quá xa lạ đối với người dân Việt Nam, đặc biệt là người dân Nam bộ. Loại thực phẩm này cung cấp khá nhiều các loại dưỡng chất khác nhau với hàm lượng lớn. Vậy nên, khi sử dụng quả dừa đúng cách, chúng ta sẽ tận dụng triệt để hàm lượng chất dinh dưỡng to lớn từ loại quả này.

Dưới đây là các bước thực hiện để tạo ra thành phẩm nước cốt dừa thơm ngon.

Bước 1: Chuẩn bị các nguyên liệu

Nên chọn những quả dừa tươi ngon

Để làm nước cốt dừa, ngoài thành phần chính là dừa ra thì bạn cũng cần chuẩn bị thêm một số nguyên liệu và dụng cụ khác để dùng để vắt và đun nước cốt. Các dụng cụ này cần được làm sạch để đảm bảo về mặt vệ sinh.

Đối với nguyên liệu để thực hiện món nước cốt dừa thì hoàn toàn đơn giản và dễ tìm nên bạn có thể mua một cách dễ dàng nhanh chóng. Bạn chắc chắn không cần phải lo lắng rằng nguyên liệu khó tìm hoặc đắt tiền.

Về phần dừa, bạn nên chọn mua quả dừa tươi. Không nên chọn mua những quả dừa non mà nên mua dừa có phần cùi dày dặn một chút để có được phần cơm dừa dày hơn. Chúng thường là những quả dừa ngọt có phần cùi màu trắng ngà và được sử dụng để làm gỏi, làm thịt kho tàu hoặc làm mứt, thạch dừa…

Phần cùi dừa mềm thơm ngon

Phần cùi dừa trắng bên trong bạn mang đi nạo nhỏ hoặc xay nhuyễn bằng máy xay thực phẩm khô. Cùi dừa khi được làm nhỏ dưới dạng cơm dừa sẽ dễ dàng chiết suất tinh dầu và chất lỏng màu trắng có trong cùi dừa. Ở một số cửa hàng hoặc chợ sẽ có sẵn máy nạo dừa chuyên dụng nên bạn không cần quá lo lắng về vấn đề nạo dừa nhé.

Nước cốt dừa nguyên chất có màu trắng sữa đẹp mắt. Và để giữ được màu trắng này, nguyên liệu để làm nước cốt dừa ngoài cơm dừa thì cũng có thêm một số nguyên liệu có màu trắng như bột năng, muối, đường.

Đối với dụng cụ vắt và đun nước cốt dừa, vì chúng tiếp xúc trực tiếp với phần nước cốt dừa nên bạn cần phải sử dụng cụ sạch. Đảm bảo để chúng không xuất hiện dị vật, bụi hoặc cặn trong phần nước cốt dừa.

Bước 2: Vắt nước cốt dừa

Vắt nước cốt dừa

Bước tiếp theo đây là bước khá quan trọng vì sẽ chiết xuất trực tiếp phần tinh dầu từ cơm dừa ra. Bạn cần lưu ý vệ sinh tay sạch sẽ vì công đoạn này bạn phải vắt nước cốt dừa bằng tay.

Bạn cho mổ ít nước ấm vào phần cơm dừa đã chuẩn bị trong thau lớn. Nhồi kỹ hỗn hợp bằng tay để nước ấm có thể làm tan hết các tinh chất có trong cơm dừa. Tiếp đến, bạn cho hỗn hợp nước cơm dừa đã nhồi kỹ qua một túi lọc. Dụng cụ lọc này sẽ có tác dụng giữ lại phần xác dừa trong túi và đẩy cho phần nước cốt dừa chảy ra ngoài.

Vắt thật chặt túi lọc để lọc được lượng nước cốt dừa nhiều nhất nhé

Lam Sơn Food khuyến khích bạn nên sử dụng túi lọc có nhiều lỗ nhỏ tương tự như khi làm các loại sữa hạt để giữ lại tối đa phần xác dừa. Như vậy thì nước cốt dừa khi thành phẩm sẽ không còn cặn của cùi dừa nữa. Lúc này, bạn cần cố hết sức dùng tay vắt thật chặt túi lọc để lọc được lượng nước cốt dừa nhiều nhất nhé.

Bước 3: Nấu nước cốt dừa

Đầu tiên, bạn hòa tan phần bột năng cùng với một chút nước. Phần bột năng này khi cho vào sẽ giúp tạo độ sánh quyện đặc trưng cho nước cốt dừa. Bạn cũng có thể thay thế bột năng bằng bột bắp, bột gạo hay bột sắn dây đều được nhé.

Bạn chuẩn bị một chiếc nồi thật sạch, cho nước cốt vừa vắt vào và bật bếp đun ở lửa vừa. Cho thêm phần muối, đường đã chuẩn bị vào khuấy đều cùng với nước cốt dừa.

Nấu nước cốt dừa

Khi nước cốt dừa trong nồi đã sôi lên, bạn cho từ từ chỗ bột năng đã pha nước vào và khuấy liên tục cho đến khi nước cốt dừa chuyển sang dạng hơi sệt sệt thì tắt bếp. Sau khi tắt, bạn cũng cần khuấy đều thêm một lúc để phần bột năng không bị kết tủa và nổi thành lợn cợn trong sữa dừa. Bạn chờ cho nước cốt dừa nguội một chút rồi hãy sử dụng nhé.

Quá trình đun sữa dừa diễn ra khá nhanh chóng, chỉ mất khoảng 5 - 10 phút thôi nhưng cực kỳ quan trọng. Bước làm này giúp tiệt trùng phần nước cốt dừa và thêm một ít bột năng vào để nước cốt dừa có dạng sền sệt đặc trưng, dễ hòa quyện với các món ăn khi kết hợp và giúp tăng thêm cảm giác ngon miệng.

Nếu bạn muốn tăng thêm mùi thơm cho nước cốt dừa thì có thể cho vào nồi nước cốt một bó lá nếp nhỏ trong lúc đun và nhớ bó lá nếp phải được sơ chế thật kỹ trước khi cho vào nhé.

Bước 4: Hoàn thành món sữa dừa thơm ngon

Hoàn thành món sữa dừa

Để kiểm tra nước cốt dừa sau khi hoàn thành có đạt tiêu chuẩn hay không, bạn hãy tự tin nếm thử một chút để xem thành phẩm chuẩn vị chưa nhé. Nước cốt dừa đạt tiêu chuẩn có kết cấu hơi sệt, mịn, có màu trắng ngà, thơm nồng mùi dừa và có vị béo béo, ngọt dịu đặc trưng của dừa. Ngoài ra, còn điểm nhẹ một chút vị mặn là đủ điều kiện phục vụ dù là những thực khách khó tính nhất rồi.

Trong nước cốt dừa có chứa hàm lượng tinh dầu rất cao nên cần được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp, nếu không, chúng sẽ rất nhanh chóng bị chua và hỏng. Vậy nên, nước cốt dừa làm xong bạn nên cố gắng sử dụng trong ngày là tốt nhất. Phần chưa dùng đến, bạn cần cất vào lọ kín và bảo quản trong tủ lạnh từ 2 - 3 ngày. Nước cốt dừa để quá lâu dễ bị biến chất, ăn vào có thể gây đau bụng.

Thưởng thức món nước cốt dừa

Nước cốt dừa vừa thơm ngon vừa dễ dàng chế biến chỉ với một số bước đơn giản, chỉ cần dành ra một chút thời gian là bạn đã có ngay phần nước cốt dừa chất lượng cao để thưởng thức và sử dụng rồi. Vậy thì còn chần chờ gì mà không bắt tay ngay vào bếp làm món ăn thơm ngon này. Ngoài ra, nước cốt dừa thường được kết hợp với một số món ăn nhằm tăng hương vị món ăn như: bánh flan, chè bưởi, xôi vò,…

Những lưu ý cần biết khi làm nước cốt dừa tại nhà

Để có được phần nước cốt dừa thơm ngon, trong quá trình thực hiện bạn cần lưu ý đến một số vấn đề sau:

  • Trong khi nấu nước cốt dừa luôn phải khuấy đều tay để không chị khét.
  • Không nên nấu nước dừa quá sánh mịn và đặc, bởi khi để nguội nước cốt dừa sẽ đặc hơn.
  • Khi làm bánh hoặc nấu chè nên cho lượng đường, muối và bột nhiều hơn để nước cốt dừa sánh mịn.
  • Cũng không nên đun nước cốt dừa quá lâu khiến nó chuyển hóa thành dầu dừa, mất đi hương vị đặc trưng của dừa.

Hy vọng qua những chia sẻ này, Lam Sơn Food sẽ giúp bạn thực hiện thành công cũng như bổ sung vào thực đơn của gia đình bạn một món ăn thơm ngon. Các bạn cũng đừng quên đồng hành cùng Lam Sơn Food trong những công thức nấu ăn tiếp theo nhé!

1