Ẩm thực

25 Món Ngon Ngày Tết Miền Bắc, Trung, Nam: Hương Vị Đậm Đà Cho Mùa Xuân

Mai Kiều Liên

Món ngon ngày Tết không thể thiếu trong các gia đình Việt. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh là những món ăn quen thuộc xuất hiện trong bất kỳ gia đình nào. Người ta...

Món ngon ngày Tết không thể thiếu trong các gia đình Việt. Thịt mỡ, dưa hành, bánh chưng xanh là những món ăn quen thuộc xuất hiện trong bất kỳ gia đình nào. Người ta háo hức chuẩn bị những món ăn mang hương vị đặc trưng chỉ có vào dịp Xuân, với hy vọng năm mới đầy đủ và may mắn.

1. Món Ngon Ngày Tết Miền Nam

1.1 Thịt Kho Tàu Miền Nam

Với những đứa trẻ miền Nam, món thịt kho tàu đã trở thành một phần quen thuộc. Vào những ngày 29, 30 Tết, bà ngoại hay mẹ đã bắt đầu chuẩn bị nồi thịt kho tàu cho ngày Tết sắp đến. Hương vị quen thuộc này đã có mặt ở mọi căn bếp ở cả ba miền Nam, Bắc. Món thịt kho tàu đơn giản nhưng lại chiếm vị trí quan trọng trong mâm cơm ngày Tết. Chỉ cần nghe hương thơm hấp dẫn, béo ngậy toả ra từ nồi thịt kho là đã thấy Tết cận kề.

1.1.1 Nguyên Liệu Nấu Thịt Kho Tàu

  • Thịt lợn ba chỉ
  • Trứng cút, trứng gà hoặc trứng vịt
  • Nước mắm ngon, nước màu (có thể tự làm hoặc mua sẵn)
  • Nước dừa tươi
  • Tỏi, ớt, hành lá
  • Các gia vị: muối, đường, tiêu, bột ngọt, dầu ăn.

1.1.2 Cách Làm Thịt Kho Tàu

Ướp Thịt Ướp thịt ít nhất từ 30 phút đến 1 giờ với nước mắm, đường, tiêu, bột ngọt, tỏi băm, ớt cùng chút dầu ăn để thấm vị. Sau đó để thịt ngấm trong ít nhất 30 phút.

Luộc Trứng Trong lúc chờ thịt thấm vị, bạn có thể bắt đầu luộc trứng. Để trứng dễ bóc vỏ hơn, bạn có thể cho chút muối và dấm gạo vào nồi luộc trứng. Một mẹo nhỏ là nếu muốn bóc vỏ trứng nhanh hơn, bạn có thể đặt trứng vào một cái hộp nhựa, đậy nắp và lắc nhẹ sẽ dễ bóc hơn rất nhiều.

Chưng Nước Màu Để nồi thịt kho tàu có màu đẹp mắt và thơm hơn, bạn cần nước màu. Bạn có thể tự nấu nước màu hoặc mua sẵn tại các siêu thị, chợ. Nếu chưa có nước màu sẵn, bạn có thể nấu theo cách dưới đây.

Cho đường vào nồi đun đến khi chuyển màu cánh gián là được. Thêm lượng nước đủ để kho thịt và chút dầu ăn để khi đun đường không bị cháy.

Kho Thịt Bắt nồi lên bếp, sau đó thêm dầu ăn và cho thịt đã ướp vào đảo đến khi thịt săn lại. Tiếp đó bạn đổ nước dừa và nước màu đã chưng vào nồi thịt. Ban đầu ở lửa lớn để thịt chín nhanh, sau đó giảm lửa nhỏ liu riu để thịt chín dần hơn.

Khi thịt đã mềm, cho trứng đã luộc vào nồi kho chung. Không nên bỏ trứng vào quá sớm vì sẽ làm trứng bị chai vỏ và cứng. Thường người ta sẽ cho trứng vào khoảng 15 phút trước khi tắt bếp. Cuối cùng nêm nếm lại nồi thịt kho tàu nếu thấy chưa đủ vị.

Thịt kho có thể ăn cùng với cơm trắng, bánh mì hay bánh tét đều ngon. Từ trẻ con đến người lớn, ai cũng thích. Thường vào ngày Tết, các bà các mẹ thường nấu một nồi thịt to để ăn trong vài ngày. Bởi theo quan niệm, chỉ cần thấy thịt kho tàu là ngày Tết đã đến.

1.2 Bánh Tét Ngọt Miền Nam

Nếu miền Bắc có bánh chưng xanh vuông hay miền Trung là bánh tét dài, vị mặn ăn cùng củ kiệu ngâm, thì bánh tét ngọt ở miền Nam lại thiên về vị ngọt.

Bánh tét ngon là bánh khi mở ra không dính với lá, có cơm nếp dẻo thơm và nhân vừa ăn. Bánh tét ngọt ở miền Nam ngày nay có nhiều màu sắc khác nhau như xanh từ lá cẩm hay vàng hấp dẫn và bắt mắt.

1.3 Mứt Dừa Non Miền Nam

Đối với người miền Nam, mứt dừa là món ngon ngày Tết quen thuộc và dễ làm. Đặc biệt nhất là ở xứ sở Bến Tre miền đất phương Nam, dừa lại thơm ngon hơn bao giờ hết.

1.3.1 Cách Làm Mứt Dừa

Những trái dừa già được nạo lấy cơm, sau đó cắt mỏng, rửa sạch và để ráo nước. Tiếp đến, người ta ủ thêm vài lớp đường và để thấm vị trong vòng 1 đến 2 canh giờ.

Đến công đoạn rim mứt, cần đảm bảo lửa đều và không quá lớn cũng không quá nhỏ. Dừa được đảo liên tục trên chảo nóng cho đến khi khô thì mang xuống. Mứt dừa rim ngon có màu trắng của đường, hương vị beo béo của dừa và ngọt thanh vừa phải. Ngày nay mứt dừa được biến tấu hình ảnh với nhiều màu sắc khác nhau như xanh lá dứa, vàng, đỏ của gấc hay tim tím của lá cẩm vừa bắt mắt vừa tăng vị ngon cho loại mứt này.

1.4 Canh Khổ Qua Nhồi Thịt

Như cái tên đã thể hiện, "khổ qua" là món ngon ngày Tết luôn có mặt trong bữa cơm gia đình ở miền Nam và một vài nơi khác. Với mong muốn những khó khăn và cơ cực sẽ qua đi trong năm mới, và những điều may mắn thuận lợi nhất sẽ đến, vị đắng của khổ qua lại khiến nhiều người không thích nhưng nếu đã trót lỡ thích thì lại thấy món ăn này ngon hết sẩy.

1.4.1 Cách Làm Khổ Qua Nhồi Thịt Ngày Tết

Khổ qua được nạo bỏ đi phần ruột bên trong, sau đó nhồi thêm hỗn hợp thịt băm, bún, nấm mộc nhĩ và các loại gia vị. Để chắc chắn, người ta còn buộc thêm cọng hành lá bên ngoài khổ qua để giúp cố định và khi hầm không bị bung nhân ra ngoài.

Đun sôi nước dùng từ nước hầm xương (hoặc có thể dùng nước thường và nêm nếm gia vị). Khi nước sôi, xếp khổ qua vào trong nồi và hầm cho chín đều. Một mẹo vặt nhỏ trong nấu ăn là bạn nên vớt hết bọt cho nước dùng trong và nồi khổ qua sẽ bắt mắt hơn.

Khổ qua sau khi múc ra tô được trang trí thêm chút hành lá, ngò rí và tiêu xay để tăng thêm độ thơm cho món ăn ngày Tết dễ làm này.

1.5 Khô Gà Lá Chanh - Món Ăn Vặt Ngày Tết

Với người dân miền Nam, khô gà lá chanh là món ngon ngày Tết để ăn vặt ngon nhất. Bên cạnh những loại bánh mứt thông thường, khô gà lá chanh làm giảm độ ngán trong những ngày "thứ gì cũng ngon".

1.5.1 Cách Làm Khô Gà Lá Chanh

Ức gà rửa sạch cho vào nồi, đổ nước lạnh sắp sẵn ngang mặt gà. Sau đó thêm với sả chẻ nhỏ, gừng, lá chanh, muối và luộc chín với lửa nhỏ. Khi vớt thịt ra thì xả qua nước lạnh, đợi thịt nguội thì xé nhỏ miếng vừa ăn.

Trộn đều thịt gà đã xé với tỏi, gừng, riềng, nghệ, ớt, sả, lá chanh băm nhỏ cùng các gia vị khác. Lưu ý khô gà sau khi hoàn thành sẽ có vị mặn hơn, do đó lúc nêm nếm gia vị bạn nên nêm nhạt một chút.

Có nhiều cách để làm khô gà lá chanh như cho vào lò nướng, lò vi sóng, làm khô bằng chảo chống dính hoặc nồi cơm điện. Nếu nhà bạn có lò nướng, bạn có thể cho khô gà vào khay giấy bạc, trải đều ra để gà chín đều hơn. Làm nóng lò nướng trước, sau đó nướng với nhiệt độ từ 150 đến 200 độ C trong khoảng 15 phút. Thành phẩm khô gà sau khi hoàn thành sẽ có màu vàng đẹp mắt, lá chanh giòn thơm rất đặc trưng.

1.6 Lạp Xưởng - Món Ngon Ngày Tết

Trong mâm cỗ ngày Tết ở miền Nam và miền Tây, không thể thiếu sự góp mặt của lạp xưởng. Món ngon ngày Tết dễ làm này có thể chiên áp chảo, nướng hoặc dùng làm nguyên liệu cho các món ăn khác. Tết đến, nhà nào cũng có lạp xưởng trữ sẵn. Người ta thưởng thức lạp xưởng sau khi nướng hoặc chiên cùng chút dưa chua hay củ kiệu muối ngon hết ý.

1.7 Củ Kiệu Tôm Khô - Món Ăn Kèm Cho Tết

Không chỉ ở miền Trung mới chuộng củ kiệu ngày Tết mà miền Nam cũng thích ăn chung với tôm khô như một phần không thể thiếu. Củ kiệu tôm khô có vị chua chua, ngọt ngọt, cay cay khiến mọi thực khách mê mẩn. Món ăn này dễ làm và có thể thực hiện vào ngày thường, nhưng cứ phải đến Tết thì mới ngon. Ngon có lẽ một phần ở cái không khí sum họp, náo nhiệt một năm mới có một lần.

1.7.1 Cách Làm Củ Kiệu Tôm Khô

Củ kiệu, xoài hay me xanh đem gọt sạch vỏ sau đó cắt vừa ăn (với me thì để nguyên trái ngâm mới ngon và đẹp). Với mỗi loại trái cây, bạn nên ngâm riêng để hương vị ngon hơn. Sau khi ngâm muối, vớt để ráo và ngâm với nước đường (bạn có thể nấu nước đường hoặc ngâm với đường sống), thêm muối, ớt trái cắt nhỏ hay ớt bột đều được vào nước đường để nguội. Cho củ kiệu vào một hũ thủy tinh hoặc nhựa, từ từ đổ nước đường đã pha vào và để trong vòng 2 đến 5 ngày là đã dùng được.

2. Món Ngon Ngày Tết Miền Trung

Ngày Tết là dịp để mọi người vây quần bên nhau và đặc biệt không thể thiếu những bữa cơm gia đình. Mâm cỗ ngày Tết ở miền Trung không thể không kể đến bánh tét truyền thống, dưa món, bánh thuẫn, nem chua và chả lụa thơm ngon.

2.1 Bánh Thuẫn Đong Đầy Ký Ức

Với những đứa trẻ miền Trung, bánh thuẫn là món ngon ngày Tết đong đầy nhiều ký ức. Nhớ những buổi chiều 26, 27 Tết tụ tập ở nhà ngoại hay nhà nội để đổ bánh. Có những chiếc bánh đầu tiên luôn dành cho bọn con nít đang háo hức không tả. Lớn hơn chút, chúng tôi có thể phụ bà đổ bánh.

Để có những chiếc bánh đẹp mắt và ngon nhất là cả một quá trình cũng như kinh nghiệm lâu đời của người đổ. Bạn phải cân nhắc bao nhiêu ký bột, ký đường, trứng gà để khi đổ bánh mới nở. Rồi canh lửa xung quanh lò dưới và trên nắp như thế nào để bánh không cháy hay chỉ chín một bên. Tất cả trong trí nhớ của tôi là một bầu trời nghệ thuật của mẹ, của dì và của bà ngồi canh từng chiếc bánh cho ngày Tết.

2.2 Bánh In Món Ngon Ngày Tết Dễ Làm

Cũng như bánh thuẫn, bánh in là món bánh được yêu thích nhưng lại dễ làm hơn rất nhiều.

2.2.1 Cách Làm Bánh In Ngày Tết

Bột năng và bột nếp được rang chung với lá dứa, sau đó trộn với nước đường đun sôi để nguội cho đến khi bột thấm hết nước đường. Cho bột vào khuôn, nén chặt và giữ trong vòng 15 phút rồi lấy bánh ra khỏi khuôn là xong. Bánh in có thể được biến tấu thêm bánh in đậu xanh với cách làm tương tự nhưng thêm nhân đậu xanh ở khúc giữa bánh đẹp mắt và thơm ngon.

1