Sức khỏe

Gợi ý thực đơn cho mẹ bị tiểu đường thai kỳ

Mai Kiều Liên

Lựa chọn chế độ ăn khoa học cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ không chỉ giúp quản lý tốt các triệu chứng của bệnh mà còn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng...

Lựa chọn chế độ ăn khoa học cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ không chỉ giúp quản lý tốt các triệu chứng của bệnh mà còn đảm bảo cung cấp đủ dinh dưỡng cho thai nhi. Tiểu đường thai kỳ có thể ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của mẹ và sự phát triển của thai nhi. Để tránh các biến chứng của bệnh, kiểm soát lượng đường trong máu khi mang thai là điều cần thiết.

Mục tiêu điều trị là giữ cho lượng đường trong máu ở mức an toàn theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa. Phụ nữ có lượng đường trong máu được kiểm soát tốt thì thường sinh con khỏe mạnh và không gặp bất kỳ biến chứng nào. Bước đầu tiên trong điều trị bệnh tiểu đường thai kỳ là điều chỉnh chế độ ăn uống để đường máu ở mức bình thường.

Khi xây dựng thực đơn cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ, chúng ta thường dựa trên các yếu tố sau:

Lượng kcal cần trong ngày

Cân nặng của bà bầu

Tuổi thai

Em bé đang phát triển và lớn như thế nào

Mức độ hoạt động của bà bầu

Chế độ ăn cần được bổ sung đủ 6 nhóm chất dinh dưỡng cơ bản hàng ngày bao gồm carbohydrate (carbs, tinh bột), chất xơ, protein, lipid (chất béo), vitamin và khoáng chất. Lượng carbohydrate nên chiếm khoảng 46 - 60% lượng kcal bạn ăn hàng ngày, tối thiểu 175g carbohydrate mỗi ngày để đảm bảo sự tăng trưởng thích hợp của thai nhi cũng như sự phát triển và chức năng não bộ.

Hầu hết carbohydrate có trong thực phẩm giàu tinh bột hoặc đường như bánh mì, gạo, bún, phở, miến, ngũ cốc, khoai tây, trái cây, nước ép trái cây, sữa, sữa chua, bánh, kẹo, nước ngọt và các loại đồ ngọt khác. Loại và lượng carbs bạn ăn hoặc uống sẽ ảnh hưởng đến lượng đường trong máu của bạn. Bà bầu nên ưu tiên chọn các loại carbohydrate có chỉ số đường huyết thấp và hàm lượng chất xơ cao như gạo lứt, bánh mì nguyên cám, yến mạch, bột mì nguyên cám, ngũ cốc nguyên cám thay vì sử dụng gạo trắng, bánh mì trắng, khoai tây chiên/nghiền.

Thường thì ăn carbohydrate đơn thuần sẽ làm tăng đường máu hơn so với carbohydrate phức tạp. Hiệp hội Đái tháo đường Hoa Kỳ khuyến nghị tối thiểu 28g chất xơ/ngày cho phụ nữ mắc bệnh đái tháo đường thai kỳ. Bà bầu có thể đáp ứng bằng cách ăn tối thiểu 600g rau và trái cây mỗi ngày, trong đó ít nhất 400g là rau xanh. Tập trung vào các loại rau nhiều xơ như súp lơ, xà lách, rau muống, rau cải.

Nhu cầu về protein trong thời gian mang thai tăng lên do vai trò của nó trong quá trình tổng hợp các mô của mẹ, thai nhi và nhau thai. Bà bầu nên bổ sung tối thiểu là 61g protein/ngày từ các thực phẩm như thịt, trứng, cá, đậu đỏ, sữa, hải sản, gạo, trái cây, rau.

Chất béo là nguồn cung cấp calo trong ngày và hỗ trợ hấp thu một số loại vitamin. Lượng chất béo nên bổ sung khoảng 20 - 30% tổng lượng calo mỗi ngày. Nên tránh ăn nhiều chất béo, bởi vì điều này có thể dẫn đến chứng béo phì ở trẻ sơ sinh, tăng nguy cơ viêm nhiễm ở mẹ và làm giảm khả năng hấp thu glucose ở cơ. Bà bầu nên chọn những thực phẩm cung cấp chất béo tốt như dầu olive, dầu hướng dương, bơ thực vật.

Khi mang thai, nhu cầu về vitamin và khoáng chất tăng lên. Nếu ăn đầy đủ chất dinh dưỡng có thể không cần bổ sung vitamin tổng hợp nhưng cần điều chỉnh riêng theo nhu cầu cụ thể của từng người.

Khi xây dựng chế độ ăn dành riêng cho bà bầu bị tiểu đường thai kỳ, cần lưu ý quá trình chế biến không nên nêm nhiều muối và đường vào món ăn, hạn chế các món chiên, xào nhiều dầu mỡ mà thay vào đó là đồ hấp, luộc. Bà bầu không nên thay đổi số lượng thức ăn và các món trong thực đơn đột ngột, cần thay đổi từ từ để cơ thể quen dần. Thay vì ăn 3 bữa chính, bà bầu có thể chia nhỏ thành nhiều bữa trong ngày, tối ưu là 3 bữa chính/ngày và 2-3 bữa phụ/ngày. Lưu ý không bỏ bữa, không ăn quá no hoặc để quá đói, nên ăn đúng bữa và đúng giờ. Dưới đây là gợi ý thực đơn từ chuyên viên dinh dưỡng Nguyễn Thị Thu Huyền:

Thực đơn bữa sáng

Đây là bữa ăn quan trọng giúp bà bầu có đủ năng lượng và tinh thần khởi động một ngày mới. Khoảng thời gian lý tưởng để dùng bữa sáng là sau khi dậy khoảng 30 phút - 1 tiếng. Lượng carbohydrate nên hạn chế vào buổi sáng để tránh tăng đường huyết. Bà bầu nên ăn khoảng 20 - 25% lượng carbs tổng trong ngày vào buổi sáng và có thể bổ sung từ các loại thức ăn như bánh mì nguyên cám, ngũ cốc, yến mạch.

Thực đơn bữa trưa

Bữa trưa giúp bà bầu nạp thêm năng lượng và duy trì lượng đường huyết ổn định. Mẹ hãy ăn rau trước và trong khi ăn các thực phẩm chứa tinh bột để làm chậm quá trình chuyển hóa carbs trong cơ thể. Một số thực phẩm gợi ý cho bữa trưa như cần tây, rau cải, dưa chuột, rau muống, rau dền, trứng, thịt gia cầm, thịt nạc, thịt bò, gạo lứt, mì nguyên cám. Bà bầu nên ăn khoảng 30% tổng lượng carbs trong ngày vào bữa trưa và hạn chế các thực phẩm chứa nhiều carb kết hợp với nhau như cơm ăn cùng khoai tây, đồ ngọt sau bữa trưa, cơm với bánh ngọt.

Thực đơn bữa tối

Thời điểm ăn tối lý tưởng là từ 18h30 - 19h30 hàng ngày. Bà bầu có thể áp dụng nguyên tắc "đĩa thức ăn" với tỉ lệ lượng dinh dưỡng gồm 1/4 carbs, 1/4 protein, 1/2 chất xơ (rau các loại). Lượng carbs khuyến nghị trong khẩu phần ăn tối cũng khoảng từ 20 - 25% tổng lượng carb trong ngày. Bà bầu nên chọn các phương pháp chế biến như hấp, luộc, nướng thay vì chiên, xào.

Thực đơn bữa phụ

Bà bầu nên chia nhỏ bữa ăn bằng cách có khoảng 2 - 3 bữa phụ sau khi ăn 3 bữa chính. Lượng carbs của mỗi bữa phụ chiếm 10% tổng lượng carb trong ngày. Vào bữa phụ, bạn có thể ăn trái cây ít ngọt, sữa chua không đường, các loại hạt, sữa bầu dành riêng cho mẹ bị tiểu đường, yến mạch. Lưu ý không ăn các loại thực phẩm gây tăng đường huyết như bánh kẹo, kem, chè, các loại trái cây ngọt.

Hiểu chế độ ăn uống của bạn và ăn uống lành mạnh sẽ giúp bạn điều chỉnh lượng đường trong máu ở mức an toàn để tận hưởng một thai kỳ khỏe mạnh và sinh một em bé khỏe mạnh.

1