Thực phẩm

Cách làm chè bưởi giòn ngon lại không bị đắng cực đơn giản tại nhà

Mai Kiều Liên

Chè bưởi là một món tráng miệng được cả 2 miền Nam, Bắc ưa thích. Nếu bạn muốn thưởng thức một cốc chè bưởi ngon, giòn và không bị đắng thì hãy tham khảo cách...

Chè bưởi là một món tráng miệng được cả 2 miền Nam, Bắc ưa thích. Nếu bạn muốn thưởng thức một cốc chè bưởi ngon, giòn và không bị đắng thì hãy tham khảo cách làm dưới đây. Đảm bảo ai cũng có thể làm được!

Cách chọn nguyên liệu làm chè bưởi

1. Hướng dẫn mua bưởi ngon, dày cùi

  • Bưởi nấu chè đòi hỏi phần cùi phải dày như thế khi nấu chè mới ngon, giòn. Dùng tay búng nhẹ vào phần vỏ của quả bưởi. Nếu thấy tiếng bốp bốp thì chắc chắn phải mua vì những quả này phần cùi sẽ rất dày.
  • Ưu tiên mua những quả bưởi còn tươi. Quan sát phần vỏ bưởi, nếu thấy căng mọng, chạm vào còn tinh dầu, cầm trên tay cho cảm giác chắc nịch thì đó là bưởi ngon.
  • Thường bưởi non vỏ mỏng, ít cùi lại dễ đắng. Ngược lại, bưởi già vỏ dày, nhiều cùi rất thích hợp nấu chè. Chú ý tới nốt gai trên bỏ của quả bưởi để biết đó là bưởi đã già hay chưa. Những nốt gai này càng to thì chứng tỏ quả bưởi đó đã già. Ngược lại, gai càng nhỏ, dày chi chít nhau thì đó là bưởi non.
  • Chọn đúng loại bưởi nấu chè cực kỳ quan trọng. Hiện nay có rất nhiều loại bưởi khác nhau như bưởi diễn, bưởi da xanh, bưởi năm roi, bưởi Đoan Hùng… Tuy nhiên, chỉ có bưởi da xanh và bưởi năm roi là thích hợp hơn cả.

2. Cách chọn đậu xanh ngon

  • Chọn đậu xanh đã được tách vỏ sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và đảm bảo được tính thẩm mỹ cho chè bưởi.
  • Ưu tiên những hạt đậu có màu vàng tươi rực rỡ.
  • Các hạt đậu đều nhau, kích thước không quá to hoặc không quá nhỏ.
  • Những hạt đậu xanh ngon khi ngửi sẽ có mùi thơm đặc trưng của đậu. Khi thấy có mùi ẩm mốc, hắc hay bất cứ mùi lạ gì thì tuyệt đối không chọn.
  • Nên chọn đậu xanh được đóng gói cẩn thận, trên bao bì có in rõ thông tin của nhà sản xuất cũng như hạn sử dụng.

Cách làm chè bưởi ngon không bị đắng

Nguyên liệu làm chè bưởi

  • 100g đậu xanh xát vỏ
  • 60g cùi bưởi
  • 250 ml nước
  • ½ tsp muối
  • 100 g đường thốt nốt (đường nâu) hoặc đường kính trắng
  • 150g bột năng
  • Nước đun sôi để nguội
  • 200 - 250g đường thốt nốt tùy khẩu vị
  • 1 âu nước đá
  • 100 ml nước cốt dừa

Cách làm chè bưởi ngon đơn giản nhất

Bước 1: Chế biến phần đỗ xanh:

  • Đậu xanh vo sạch, bỏ hạt hỏng, ngâm nước qua đêm cho đậu nở mềm. Hoặc có thể ngâm nước nóng khoảng 2 tiếng.
  • Đậu sau khi ngâm mềm, đổ ra rổ, xóc thật ráo nước rồi hấp ở lửa nhỏ, nước sôi liu riu trong vòng 10-15 phút đến khi đậu chín, bở tơi.

Bước 2: Chế biến phần cùi bưởi

  • Cùi bưởi cần được gọt sạch phần vỏ xanh bên ngoài để không bị quá đắng và gọt bớt phần xơ xốp ở bên trong để cùi được giòn hơn.
  • Xắt cùi bưởi thành khúc vừa ăn (cỡ một đốt ngón tay út), không nên cắt quá to, khi nấu sẽ dễ bị sống sượng hay quá nhỏ, sẽ dễ bị mất độ giòn.
  • Đun 250 ml nước với 3g muối (khoảng ½ thìa nhỏ) đến khi sôi thì đổ cùi bưởi vào. Nhanh tay đảo đều rồi lập tức bắc khỏi bếp, đổ cùi bưởi ra rổ.
  • Xả cùi bưởi dưới vòi nước chảy rồi dùng tay vò và bóp nhẹ cùi bưởi liên tục. Thực hiện liên tiếp thao tác này cho đến khi cùi bưởi hết đắng. Vắt kiệt cùi bưởi, cho vào bát sạch.
  • Hòa tan 50 g đường và 50g bột năng trong 150 ml nước. Đổ cùi bưởi đã vắt kiệt vào, để cùi ngậm nước căng mọng trở lại thì vớt cùi để trên rổ cho ráo bớt nước.
  • Sau khi cùi bưởi đã ráo bớt nước thì xóc cùi cùng 60 g bột năng khô.

Bước 3: Cách làm chè bưởi , nấu nước cốt dừa

  • Đun nước cốt dừa với đường và nêm nếm cho vừa khẩu vị. Có thể hòa 1 chút bột năng với nước cho vào nếu thích nước cốt dừa cũng có độ sệt.

Bước 4: Hoàn thiện chè bưởi đỗ xanh

  • Khi nước chè đã được nấu kỹ và đủ độ sánh đặc, vớt cùi bưởi trong âu nước đá, xóc thật ráo rồi thả cùi vào nồi chè. Từ từ cho đậu xanh đã hấp chín, quấy đều.
  • Để lửa nhỏ. Hòa tan 35g bột năng trong 65ml nước rồi từ từ đổ vào nồi chè. Quấy đến khi chè bắt đầu sánh lại. Giữ lửa nhỏ, khuấy đều tay.
  • Múc chè bưởi ra bát rồi rưới thêm từ 1 - 2 thìa nước cốt dừa lên trên.

Khi ăn, bạn có thể cảm nhận được độ giòn dai của cùi bưởi, bùi bùi của đậu xanh và vị béo ngậy đặc trưng từ cốt dừa.

Món chè này ăn nóng hoặc ăn lạnh đều ngon. Nếu ăn không hết, bạn có thể cho chè vào hộp rồi đậy nắp kín và bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh. Nếu bảo quản đúng cách, chè có thể để được 2 - 3 ngày. Tuy nhiên, chỉ nên ăn trong ngày để đảm bảo được vị thơm ngon như ban đầu nhé.

Món chè bưởi được người Việt đặc biệt yêu thích, dù nấu theo cách của người Huế hay theo công thức đơn giản đều rất ngon và dễ ăn. Chè bưởi rất thích hợp để nhâm nhi trong những ngày hè.

Cách nấu chè bưởi ngon khá đơn giản và tiết kiệm thời gian. Còn chờ gì nữa mà chúng ta không lưu lại ngay cách nấu chè bưởi ngon ngon này để cả nhà cùng thưởng thức.

Cách sơ chế cùi bưởi giòn ngon, không đắng

Cùi bưởi là linh hồn của món chè này, việc sơ chế không tốt có thể khiến cả nồi chè của bạn bỏ đi. Vậy làm thế nào để cùi bưởi giòn ngon mà không bị đắng?

Ngâm cùi bưởi trong nước muối

Mẹo hay trong cách làm chè bưởi không bị đắng chính là dùng muối xử lý phần cùi. Trước tiên, pha một chậu nước muối rồi cho cùi bưởi vào ngâm. Lưu ý, nước muối càng đặc thì càng tốt.

Ngâm cùi bưởi qua đêm rồi vớt ra cho vào khăn vải vắt kiệt nước.

Tiếp tục pha một chậu nước muối đặc khác rồi cho cùi bưởi vừa vắt vào ngâm thêm 1 tiếng nữa.

Hết thời gian, bạn vớt cùi bưởi ra, vắt với lực thật mạnh để đẩy hết nước muối trong cùi ra bên ngoài. Sau đó xả cùi bưởi dưới vòi nước sạch từ 4 - 5 lần.

Nếm thử cùi bưởi nếu thấy hết đắng thì bắt đầu đem đi nấu chè. Lưu ý, nếu cùi vẫn còn đắng thì bạn chỉ cần lặp lại thao tác ngâm cùi như trên là được nhé.

Dùng nước vôi trong

Trong cách làm chè bưởi thì thao tác xử lý cùi sao cho giòn và không bị đắng là cực kỳ quan trọng. Ngoài cách dùng muối, bạn có thể sử dụng nước vôi để loại bỏ vị đắng của cùi bưởi.

Trước tiên, bạn cho khoảng 10g vôi vào chậu sau đó đổ vào đây 2 lít nước. Gạn lấy phần nước vôi trong rồi cho cùi bưởi đã cắt nhỏ vào ngâm trong thời gian là 12 tiếng. Chú ý, phần nước vôi phải ngập hết phần cùi bưởi.

Khi thời gian ngâm đã hết, bạn vớt cùi bưởi ra một chiếc chậu khác rồi xả nhiều lần với nước lạnh. Giống như ngâm muối, thao tác này sẽ giúp cùi bưởi không còn vị hăng của vôi bám lại.

Cho cùi vào khăn rồi vắt thật kỹ cho ráo nước. Ngâm nước vôi ngoài giúp cùi bưởi hết mùi hăng còn làm cho cùi trông trắng, giòn và đẹp mắt hơn.

Sử dụng phèn chua

Phèn chua là một trong những nguyên liệu quen thuộc trong nhà bếp. Trong phèn chua có tính axit nhờ thế mà dễ dàng khử sạch được các vị the và đắng còn sót lại trên cùi bưởi.

Không chỉ vậy, ngâm cùi bưởi trong loại nước này còn giúp cùi trở nên giòn hơn. Tuy nhiên, khi ngâm bạn cần phải chú ý làm theo đúng hướng dẫn bởi chỉ sơ sẩy 1 chút thôi cũng có thể tác động không tốt tới sức khỏe của bạn và người thân.

  • Cho phèn chua vào nồi nước rồi khuấy lên cho tan. Bắc nồi nước lên bếp đun sôi sau đó cho cùi bưởi vào chần nhanh. Thời gian chần cùi bưởi khoảng 1 phút, tránh để quá lâu kẻo cùi bị chín quá sẽ nhũn ra nhé.
  • Khi vớt cùi ra, bạn nên cho ngay vào bát nước đá như thế phần cùi sẽ giòn và ngon hơn. Xong bước này bạn đừng quên vắt cùi thật kỹ để cùi ráo nước nhé.

Mẹo hay: Vì quá trình sơ chế cùi bưởi sẽ tốn rất nhiều công sức, vì thế bạn nên làm nhiều rồi cho vào hộp kín bảo quản trong tủ đá và sử dụng cho những lần tiếp theo.

1 cốc chè bưởi bao nhiêu calo?

Các loại chè thường chứa lượng calo cực kỳ lớn do làm từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau. Theo tính toán, cứ 1 cốc chè bưởi sẽ có khoảng 400 calo. Trong khi đó, trung bình một ngày, cơ thể chúng ta cần nạp khoảng 2000 calo. Điều này đồng nghĩa với việc, 1 cốc chè bưởi có lượng calo gần bằng 1 bữa ăn trong ngày.

Đây cũng là lí do mà nhiều người không dám ăn chè bưởi vì sợ tăng cân. So với các loại chè khác thì món chè bưởi cũng có lượng calo cao chỉ đứng sau chè sầu riêng (650 calo), chè trôi nước (513 calo), chè thập cẩm (500 calo) và chè đậu trắng (413 calo).

Ưu điểm và hạn chế của chè bưởi

Ăn chè bưởi có nhiều lợi ích cho sức khỏe như cung cấp vitamin và dưỡng chất thiết yếu, hỗ trợ tiêu hóa, giảm cân và hỗ trợ tim mạch. Tuy nhiên, chè bưởi cũng chứa lượng đường không tốt cho sức khỏe. Vì vậy, hạn chế ăn chè bưởi đối với những người mắc bệnh tiểu đường, thừa cân, béo phì, trẻ em và phụ nữ mang thai.

Trên đây là cách làm chè bưởi giòn ngon lại không bị đắng cực đơn giản tại nhà. Hy vọng bạn sẽ thực hiện thành công và thưởng thức món chè bưởi thơm ngon cùng gia đình.

1