Rau má là loại dược thảo phổ biến với nhiều tác dụng hữu ích trong việc chăm sóc sức khỏe. Với tính chất hàn, tân, khổ, rau má có khả năng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan và giải độc. Không chỉ là một loại rau thông thường, rau má còn được biết đến với các công dụng đặc biệt có lợi cho cơ thể và làn da. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết về tác dụng trị bệnh của rau má.
1. Tính chất chung
Rau má có tính hàn, tân và khổ, và được biết đến với các tác dụng dưỡng âm, thanh nhiệt, nhuận gan và giải độc. Uống nước rau má xay hoặc sinh tố rau má giúp làm đẹp da và thanh nhiệt cơ thể. Đây là những công dụng phổ biến mà nhiều người đã biết về rau má.
2. Chữa các bệnh về đường tiêu hóa
Hoạt tính chống viêm nhiễm và chống oxy hóa của lá rau má có tác dụng rõ rệt trong việc cải thiện sức khỏe của ruột và đại tràng. Rau má cũng giúp cải thiện đáng kể tình trạng táo bón ở cả người lớn và trẻ em.
3. Hỗ trợ hệ tuần hoàn
Chiết xuất rau má giúp cường hóa thành mạch máu và mao mạch, ngăn ngừa xuất huyết và tối ưu hóa hệ tuần hoàn. Rau má còn kích thích lưu thông máu, tăng oxy hóa trong các bộ phận cơ thể và các cơ quan nội tạng quan trọng, giúp các bộ phận này hoạt động hiệu quả.
4. Tốt cho những người bị các bệnh liên quan tới tĩnh mạch
Rau má đặc biệt tốt với người bị các bệnh liên quan đến tĩnh mạch. Các thành phần của rau má có thể giúp giảm sưng và lưu thông khí huyết trong cơ thể, đặc biệt tốt với những người bị bệnh như suy giãn tĩnh mạch. Một nghiên cứu đã chứng minh công dụng của rau má đối với những người bị các bệnh liên quan đến tĩnh mạch. Người bệnh được cho dùng giả dược hay rau má và được theo dõi trong 4 tuần. Kết quả cho thấy, các triệu chứng như chuột rút, đau nhức, mệt mỏi, sung, phù chân giảm rõ rệt ở những đối tượng uống rau má. Ngoài ra, dùng rau má khoảng 180mg mỗi ngày có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng liên quan đến cao huyết áp.
5. Giúp vết thương nhanh lành
Rau má chứa triterpenoids - một chất có tác dụng đẩy nhanh quá trình chữa lành vết thương. Đắp rau má giã nhuyễn lên da có thể giảm nhẹ sưng tấy và làm mát vết thương. Phương thuốc này đã được truyền tai nhau và được sử dụng trong dân gian từ lâu.
6. Tăng cường trí nhớ và thị lực
Theo kiến thức dân gian, người bệnh có thể sử dụng 3-5g rau má sấy khô tán bột, sau đó uống chung với sữa để tăng cường thị lực, khả năng tập trung và hỗ trợ cải thiện trí nhớ.
Ngoài các công dụng trên, rau má còn được dùng để chữa táo bón, vàng da, thổ huyết, tả lỵ, khí hư, bạch đới, mụn nhọt và rôm sẩy.
7. Những lưu ý khi dùng rau má
Lưu ý khi sử dụng rau má
Rau má là loại rau phổ biến, mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe. Tuy nhiên, không nên lạm dụng. Chỉ nên uống 1 cốc rau má (tương đương 40g rau má) mỗi ngày và không sử dụng quá 1 tháng. Nếu muốn tiếp tục sử dụng, hãy ngưng ít nhất nửa tháng.
Phản ứng dị ứng với rau má có thể gồm đỏ da, ngứa hoặc phát ban trên da. Bạn cũng có thể bị đau bụng, buồn nôn hoặc thải ra phân có màu lạ. Mặc dù các phản ứng và tương tác trong rau má là hiếm, nhưng bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ hoặc dược sĩ trước khi sử dụng rau má.
Những người không nên dùng rau má
- Phụ nữ mang thai và cho con bú.
- Những người đang mong muốn thụ thai.
- Người bị tiểu đường nên sử dụng rau má ở lượng vừa phải. Dùng quá nhiều và thường xuyên có thể làm tăng lượng đường trong máu.
- Những người đang sử dụng thuốc chống trầm cảm, thuốc an thần. Rau má có thể làm giảm tác dụng của thuốc và làm giảm hiệu quả điều trị bệnh.
Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh
Facebook: facebook.com/BVNTP
Youtube: youtube.com/bvntp