Sức khỏe

Máu nhiễm mỡ - Tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid và cách phòng ngừa hiệu quả

Mai Kiều Liên

Máu nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid trong máu thường xuất hiện ở những người trung tuổi và cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh lý này đang trẻ hóa và...

Máu nhiễm mỡ là tình trạng rối loạn chuyển hóa lipid trong máu thường xuất hiện ở những người trung tuổi và cao tuổi. Tuy nhiên, hiện nay, bệnh lý này đang trẻ hóa và việc hiểu rõ về nguyên nhân và tác hại của nó là rất cần thiết để dự phòng và ngăn ngừa bệnh.

Hình ảnh chỉ mang tính minh họa

Nguyên nhân gây máu nhiễm mỡ là gì?

Bệnh máu nhiễm mỡ xảy ra do nồng độ cholesterol và triglyceride trong máu tăng cao, có nhiều nguyên nhân gây ra như:

1.1. Chế độ ăn uống có nhiều chất béo

Chế độ ăn uống hàng ngày với lượng chất béo quá cao mà cơ thể không tiêu hóa hết là nguyên nhân hàng đầu dẫn tới bệnh. Các thực phẩm chứa nhiều chất béo bao gồm thịt bò, thịt lớn, thịt bê, trứng, sữa và thực phẩm chứa hàm lượng chất béo cao như đồ đóng hộp, bơ, dầu dừa, ca cao...

1.2. Béo phì

Người bị béo phì có nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ cao, vì hàm lượng cholesterol xấu trong máu tăng cao trong khi hàm lượng cholesterol tốt giảm. Mỡ thừa tập trung chủ yếu ở bụng và cơ quan nội tạng gây ảnh hưởng đến sức khỏe và hoạt động của cơ thể.

1.3. Thiếu vận động

Thói quen lười vận động làm tăng lipoprotein xấu trong máu và giảm cholesterol tốt. Việc lười tập thể dục, thường xuyên ngồi, nằm một chỗ làm tăng nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ.

1.4. Stress kéo dài

Tình trạng căng thẳng, stress kéo dài cũng là một nguyên nhân gây nên tình trạng nhiễm mỡ trong máu. Áp lực căng thẳng khiến cơ thể có xu hướng ăn nhiều, đặc biệt là thực phẩm ngọt hoặc đồ thịt chiên rán nhiều dầu mỡ.

1.5. Giới tính và tuổi tác

Ở phụ nữ trước mãn kinh (15 - 45 tuổi), nồng độ mỡ máu thường thấp hơn so với nam giới. Sau thời kỳ này, do hormone Estrogen suy giảm, nồng độ cholesterol xấu và triglyceride trong máu của nữ giới tăng cao, nguy cơ máu nhiễm mỡ và xơ vữa động mạch tăng.

1.6. Yếu tố di truyền

Người có người thân trong gia đình bị máu nhiễm mỡ có nguy cơ mắc bệnh cao hơ n.

1.7. Bệnh lý khác

Những bệnh lý như rối loạn hoạt động tuyến giáp, tiểu đường,... cũng có nguy cơ mỡ trong máu tăng cao hơn người bình thường.

Triệu chứng và biến chứng bệnh

2.1. Triệu chứng bệnh

Hầu hết mọi người chỉ phát hiện bệnh khi khám sức khỏe định kỳ hoặc bệnh tiến triển ở giai đoạn nặng, gây tổn thương cho các cơ quan và cơ thể. Máu nhiễm mỡ thường không có triệu chứng điển hình. Một số triệu chứng có thể gặp phải như hoa mắt, chóng mặt, đau đầu, thở gấp, tim đập nhanh, đau tức ngực,...

2.2. Biến chứng bệnh

Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, bệnh máu nhiễm mỡ có thể gây ra nhiều biến chứng nguy hiểm đến sức khỏe như tăng nguy cơ mắc bệnh tim mạch, viêm tụy, tai biến mạch máu não, suy giảm chức năng gan, cao huyết áp,...

Cách phòng ngừa bệnh máu nhiễm mỡ hiệu quả

Phòng bệnh hơn chữa bệnh, quan niệm này đúng đối với bệnh máu nhiễm mỡ. Cải thiện chế độ ăn uống, tập luyện và kiểm soát cân nặng là những biện pháp hiệu quả để ngăn ngừa bệnh:

  • Kiểm soát cân nặng ở mức vừa đủ.
  • Ăn đủ các chất dinh dưỡng và hạn chế chất béo.
  • Hạn chế rượu bia, thuốc lá và các chất kích thích.
  • Tập thể dục và vận động thường xuyên.
  • Điều tiết stress và giữ tinh thần thoải mái.
  • Bằng việc thực hiện những biện pháp trên, bạn có thể giảm nguy cơ mắc bệnh máu nhiễm mỡ và duy trì sức khỏe tốt hơn.
1