Sức khỏe

Hải sâm: Bồi bổ sức khỏe và điều trị bệnh lý

Mai Kiều Liên

Hải sâm biển là một loại động vật không có xương sống, có giá trị dinh dưỡng cao và được ứng dụng rộng rãi trong việc bồi bổ sức khỏe và điều trị một số...

Hải sâm biển là một loại động vật không có xương sống, có giá trị dinh dưỡng cao và được ứng dụng rộng rãi trong việc bồi bổ sức khỏe và điều trị một số bệnh lý liên quan. Trong y học, Hải sâm được coi là có tác dụng tăng cường sức đề kháng, cải thiện khả năng hấp thụ oxy và chống lại mệt mỏi cơ tim.

Mô tả dược liệu Hải sâm

1. Đặc điểm nhận dạng

Hải sâm biển, hay còn gọi là con Đỉa biển, là một loại động vật không có xương sống, hình dạng bên ngoài giống như con đỉa. Hải sâm thường có cấu tạo hình ống, bên ngoài có nhiều khối sần, u cục, không phân biệt được đầu - đuôi, ở giữa thân có một lỗ nhỏ, đây được xem là "miệng" của Hải sâm.

Xung quanh miệng của Đỉa biển có rất nhiều xúc tua nhỏ. Đây được xem là những "cánh tay", có tác dụng thu thập và cho thức ăn vào miệng. Thức ăn chủ yếu của Đỉa biển là xác chết của động vật dưới biển, phù du và các chất hữu cơ ở đáy biển.

2. Các loại Hải sâm phổ biến

Theo thống kê, hiện tại ở Việt Nam có khoảng 50 loại Đỉa biển. Tuy nhiên, các loại phổ biến thường bao gồm:

  • Loại xúc tu chia nhánh thường xuất hiện ở Vịnh Bắc Bộ có tên khoa học là Leptopentacta Tybica. Đây là loại Hải sâm nhỏ, có khoảng 10 xúc tu, trong đó có 2 xúc tu nhỏ phát triển ở phần bụng.

  • Hải sâm không có chân ống, hình dạng giống con giun thường ở độ sâu khoảng 10 - 50 mét, nơi có bùn cát dạng nhuyễn.

  • Hải sâm Holothuria martensil L có khoảng 20 xúc tu, sống ở vùng nước triều, có giá trị kinh tế cao.

3. Bộ phận sử dụng dược liệu

Hải sâm được dùng làm dược liệu là loại to và dài. Loại Hải sâm thịt màu đen dính, bên ngoài có phủ một lớp nhớt, da có nhiều gai được xem là dược liệu quý và chất lượng cao. Loài Hải sâm biển da không có gai là loại kém chất lượng và ít khi được sử dụng.

4. Phân bố

Con Đỉa biển thường sống ở vùng nước nông, nơi đáy biển có nhiều cát thường được tìm thấy ở bờ biển Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước khác.

Tại Việt Nam, Đỉa biển được tìm thấy ở một số vùng biển như Đảo Trường Sa, Phú Quốc, Côn Đảo, Thổ Chu, tỉnh Khánh Hòa, Nghệ An, Quảng Ngãi,...

5. Thu bắt - Sơ chế

Hải sâm là động vật cấp thấp dưới đáy biển, chịu nóng rất kém. Do đó, Hải sâm nên được thu bắt trước mùa mưa. Bởi vì khi mưa xuống, độ mặn của nước biển bị phân tầng, nước ở phần trên sẽ giảm độ mặn sẽ giảm và làm nóng phần đáy. Nhiệt độ nóng làm giảm chất lượng và khiến Đỉa biển chết đi rất nhanh.

Sau khi thu bắt, Hải sâm được phơi hoặc sấy khô và bảo quản để dùng làm thức ăn hoặc dược phẩm.

Cách bào chế dược liệu Hải sâm biển:

  • Rửa sạch, phơi khô hoặc sấy giòn. Khi cần dùng, ngâm nước cho mềm, thái lát mỏng, phơi giòn, tán thành bột mịn.
  • Thu bắt về cạo rửa sạch với nước muối, lộn từ trong ra ngoài, rửa sạch phần ruột, phơi khô, sấy giòn. Khi dùng, ngâm với nước cho mềm, cắt mỏng 3 - 5 ly, sao với gạo nếp cho phồng, vàng lên. Sau đó bỏ gạo, lấy dược liệu tán thành bột.

6. Bảo quản dược liệu

Dược liệu Hải sâm biển cần được bảo quản ở nơi khô ráo, trong hộp kín, tránh ẩm mốc và sâu bọ. Thỉnh thoảng cần mang dược liệu ra phơi nắng để tránh biến chất dược liệu.

7. Thành phần hóa học

Trong Hải sâm biển có chứa:

  • Gluxit 1,37%
  • Lipit 0,27%
  • Protein 21,45%. Thành phần chủ yếu là Acginin và Xystin.
  • Chất tro 1,13%. Trong tro chủ yếu là photpho, Kali, sắt và Canxi.

Vị thuốc Hải sâm có tính ấm không chứa độc.

1. Tính vị

Vị thuốc Hải sâm có tính ấm, không chứa độc, vị mặn và ngọt.

2. Quy kinh

Hải sâm quy vào kinh Thận và Tâm.

3. Tác dụng dược lý

Theo y học hiện đại:

  • Có công dụng trong việc phòng ngừa và điều trị bệnh xơ vữa động mạch.
  • Làm bình thường hóa quá trình trao đổi chất Protit và Lipit trong máu.
  • Tăng hấp thụ oxy trong tim và gan.

Theo y học cổ truyền:

  • Sát khuẩn
  • Bổ thận, tráng dương
  • Tư âm
  • Giáng hỏa
  • Tinh thủy
  • Nhuận táo
  • Ích tinh
  • Tiêu độc
  • Cầm máu
  • Chống lão hóa

Chủ trị:

  • Suy nhược thần kinh
  • Bổ thận, ích tinh thủy, mạnh sinh lý
  • Bổ âm giáng hỏa
  • Tiêu đàm dãi
  • Cầm giảm tiểu tiện
  • Nhuận tràng, chữa táo bón
  • Trừ khiếp sợ yếu đuối
  • Viêm phế quản

4. Cách dùng - Liều lượng

Dược liệu Hải sâm thường dùng dưới dạng nướng giòn, nghiền thành bột hoặc dùng chế biến thành nhiều món ăn.

Liều lượng khuyến cáo mỗi ngày là 6 - 10 g, mỗi ngày 3 lần, dùng uống kèm nước nóng hoặc rượu để chiêu thuốc và tăng hiệu quả.

Bài thuốc sử dụng Hải sâm

Đỉa biển có tác dụng bổ thận, tráng dương, ích tinh.

  1. Chữa các bệnh lở loét: Dùng Đỉa biển sấy khô, tán thành bột mịn, dùng bôi vào khu vực bệnh.

  2. Chữa bệnh lý mãn tính, hưu tức lỵ: Sử dụng Hải sâm sắc thành thuốc, dùng uống mỗi ngày.

  3. Chữa táo bón do hư hỏa, phân táo kết: Sử dụng Đỉa biển, Mộc nhĩ, sắc nhỏ, nấu chín. Sau đó cho vào trong ruột heo, ninh chín, dùng ăn.

  4. Chữa táo bón do âm hư: Sử dụng 30 g Đỉa biển, 120 g ruột già lợn làm sạch, 15 g Mộc nhĩ đen. Hầm nhừ các nguyên liệu, thêm gia vị vừa ăn, ăn liên tục trong nhiều ngày.

  5. Trị suy nhược sút cân, tăng huyết áp: Sử dụng Hải sâm 20 g, gạo nếp 100 g nấu thành cháo, thêm gia vị vừa ăn. Dùng ăn khi còn ấm, liên tục trong 1 tuần để thấy hiệu quả điều trị.

  6. Chữa chứng thiếu máu: Dùng Đỉa biển và Đại táo (đã bỏ hạt), mỗi vị phân lượng bằng nhau, tán thành bột mịn, trộn đều. Mỗi lần dùng uống 9 g với nước ấm, ngày uống 2 lần.

Bài thuốc mang lại hiệu quả tốt cho bệnh nhân thiếu máu và phụ nữ sau khi sinh con.

  1. Trị lưng đau nhức do thận hư: Dùng 30 g Đỉa biển, 15 g hạt Hạnh đào, 60 g xương lợn sống, rửa sạch, hầm nhừ, ăn trong nhiều ngày.

Bài thuốc có tác dụng ích tinh, giúp thân thể khỏe mạnh, cường tráng.

  1. Bổ thận, tráng dương, bồi bổ cơ thể sau khi suy nhược, bệnh tật: Sử dụng 30 g Hải sâm, 120 g thịt dê, thái lát vừa ăn, thêm gia vị, đun nhỏ nhỏ lửa. Có tác dụng bồi bổ cơ thể và bổ thận.

Bài thuốc có tác dụng bổ thận, điều trị thận hư, liệt dương, tiểu dắt, di tinh, chân tay lạnh, người cao tuổi thường hay mệt mỏi.

  1. Bổ khí huyết, chữa cao huyết áp: Sử dụng Hải sâm 50 g, tỏi 30 g, gạo 100 g, thêm gia vị vừa ăn, hầm nhừ thành cháo, ăn vào buổi sáng, liên tục trong 7 ngày.

  2. Chữa chứng di tinh: Sử dụng 50 g Hải sâm, 1 đôi cật dê, 10 g Kỷ tử, 12 g Đương quy, nấu cùng 1 l nước đến khi nhừ. Mỗi ngày dùng ăn 1 lần, liên tục trong 7 ngày.

  3. Chữa suy nhược thần kinh: Sử dụng 30 g Hải sâm và 100 g gạo tẻ, thái lát, nấu thành cháo, cho gia vị vừa ăn.

  4. Chữa chứng đái tháo đường: Sử dụng 2 con Đỉa biển, 1 quả trứng gà, 1 cái tụy lợn, hấp chín và ăn khi còn nóng. Mỗi ngày ăn một lần, liên tục trong 5 - 7 ngày.

  5. Chữa bệnh động kinh: Dùng nội tạng của Hải sâm sấy khô, nghiền thành bột. Mỗi lần dùng uống 12 g, chiêu với rượu vàng (rượu cất từ cơm nâu bởi 3 loại gạo gạo nếp, gạo tẻ, kê hạt vàng), uống liên tục trong 7 - 10 ngày liền là khỏi.

  6. Chữa trĩ ra máu: Sử dụng Hải sâm một lượng vừa đủ, tán thành bột mịn. Mỗi lần dùng uống 1.5g hòa với 6 g A giao trong nước sôi. Mỗi ngày uống 3 lần, liên tục trong 5 - 7 ngày.

  7. Ngăn ngừa ung thư, chống lão hóa: Dùng 30 g Đỉa biển xào chín cùng một lượng ớt chuông vừa đủ, dùng ăn khi còn ấm. Thường xuyên sử dụng món ăn này có thể chống oxi hóa cao và phòng ngừa ung thư.

Lưu ý khi sử dụng Hải sâm:

  • Người bệnh lỵ, tiêu chảy, viêm đại tràng, thể tạng đàm thấp (mập phì), hoạt tinh không được dùng Hải sâm.
  • Khi đang sử dụng các vị thuốc như Cam thảo, không được sử dụng cùng Hải sâm.

Hải sâm là dược liệu quý được sử dụng với nhiều mục đích như bồi bổ sức khỏe và điều trị nhiều bệnh lý. Khi sử dụng dược liệu, người dùng nên chú ý về liều lượng và cách sử dụng để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Trao đổi với thầy thuốc hoặc bác sĩ chuyên môn để được chỉ dẫn cụ thể.

Bệnh viện Nguyễn Tri Phương - Đa khoa Hạng I Thành phố Hồ Chí Minh facebook.com/BVNTP youtube.com/bvntp

1